Training, coaching và mentoring là ba khái niệm mà chúng ta có thể hay nghe nhắc đến trong quá trình đi làm. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn cảm thấy mơ hồ và không biết phân biệt rõ ràng giữa ba khái niệm này, nhất là với các bạn mới ra trường đi làm.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Training, Coaching và Mentoring là gì và những điểm khác biệt quan trọng giữa chúng. Hiểu rõ về những khác biệt này sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp phát triển cá nhân phù hợp và tận dụng tối đa tiềm năng của bản thân. Hãy cùng khám phá và phân biệt rõ ràng giữa Training, coaching và mentoring nhé!
Training là gì?
Trong lĩnh vực Nhân sự, "training" có nghĩa là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho nhân viên để nâng cao hiệu suất làm việc và phát triển sự nghiệp. Training thường được tổ chức bằng cách sử dụng các phương pháp đào tạo như buổi học, khóa đào tạo, hoặc các chương trình đào tạo online hoặc offline. Dưới đây là một ví dụ cụ thể về training trong lĩnh vực Nhân sự:
Một công ty có một chương trình training về quy trình tuyển dụng và phỏng vấn cho các nhân viên Nhân sự. Trong chương trình này, nhân viên được hướng dẫn về các bước tiến hành quy trình tuyển dụng, từ xác định nhu cầu, đọ hiểu Mô tả công việc, đăng tin tuyển dụng, đánh giá hồ sơ, phỏng vấn và lựa chọn ứng viên.
Nhân viên được cung cấp kiến thức về các phương pháp tuyển dụng hiệu quả, kỹ năng phỏng vấn và đánh giá ứng viên, cũng như những quy định pháp lý liên quan. Qua chương trình training này, nhân viên Nhân sự sẽ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện quy trình tuyển dụng một cách chuyên nghiệp và hiệu quả
Coaching là gì?
Coaching là quá trình hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn cá nhân hoặc nhóm để giúp họ phát triển tiềm năng, đạt được mục tiêu và nâng cao hiệu suất trong công việc. Người huấn luyện (coach) sẽ là người tạo ra một môi trường an toàn để khuyến khích, đồng thời sử dụng các kỹ thuật và câu hỏi thông minh để giúp người được huấn luyện (coachee) tự tìm ra giải pháp và phát triển.
Trong lĩnh vực Nhân sự, một người quản lý có thể làm vai trò của một coach (huấn luyện viên) khi họ hướng dẫn và đào tạo nhân viên mới. Người quản lý sẽ cung cấp hướng dẫn, hỗ trợ và phản hồi liên tục để giúp nhân viên phát triển kỹ năng và đạt được mục tiêu công việc. Ví dụ: Người quản lý có thể coaching nhân viên mới trong việc xử lý cuộc gọi từ khách hàng, cung cấp phản hồi và gợi ý cách cải thiện.
Mentoring là gì?
Mentoring là quá trình hướng dẫn và tư vấn của một người kinh nghiệm (mentor) đối với người mới vào nghề hoặc người có kinh nghiệm ít hơn để giúp họ phát triển và tiến bộ trong công việc và sự nghiệp. Mentor chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và sự định hướng để hỗ trợ người được hướng dẫn (mentee) trong việc định nghĩa mục tiêu, xây dựng kỹ năng, vượt qua khó khăn và phát triển bản thân. Ví dụ đơn giản về mentoring:
Trong lĩnh vực Nhân sự, một nhân viên có kinh nghiệm làm việc đã có sự phát triển trong vai trò chuyên môn nhưng cần định hướng và tư vấn để phát triển sự nghiệp. Anh ta tìm một mentor, người đã có thành công và kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhân sự, để được tư vấn và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và định hướng cho sự nghiệp. Mentor sẽ cung cấp cho anh ta những lời khuyên, hướng dẫn và hỗ trợ để anh ta phát triển và đạt được mục tiêu sự nghiệp.
Cách phân biệt Training, Coaching, Mentoring
Training, coaching và mentoring là ba khái niệm khác nhau trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nhân sự. Dưới đây là sự khác biệt giữa training, coaching và mentoring và ví dụ xoay quanh một Nhân viên A là một Recruiter bắt đầu từ lúc gia nhập và phát triển sự nghiệp tại công ty:
Training: Được tập trung vào việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cụ thể thông qua các phương pháp học tập có cấu trúc như buổi học, khóa đào tạo hoặc chương trình đào tạo online, offline. Training thường tập trung vào việc truyền đạt thông tin và hướng dẫn nhân viên về quy trình, kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp.
Ví dụ: Nhân viên A khi mới gia nhập được tham gia một khóa đào tạo về quy trình tuyển dụng của công ty, cách sử dụng hệ thống quản lý ứng viên, và các công cụ hỗ trợ trong quá trình tuyển dụng mà công ty đang sử dụng.
Coaching: Tập trung vào việc hướng dẫn và phát triển cá nhân thông qua quá trình thảo luận và tư vấn cá nhân. Mục tiêu của coaching là giúp nhân viên tìm ra giải pháp cho các vấn đề cụ thể trong công việc và mục tiêu ngắn hạn.
Ví dụ: Trong quá trình làm việc, anh được người quản lý trực tiếp hỗ trợ anh ta trong việc khai thác nguồn ứng viên nội bộ , phát triển mối quan hệ với các ứng viên tiềm năng bên ngoài, cải thiện kỹ năng giao tiếp và đàm phán. Qua việc thảo luận, người coach này sẽ giúp Nhân viên A nâng cao hiệu suất làm việc và xây dựng chiến lược tuyển dụng ngày càng hiệu quả hơn.
Mentoring: Được thực hiện bởi một người có kinh nghiệm và kiến thức sâu về lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể. Mentoring tập trung vào việc hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp sự hỗ trợ cho người được hướng dẫn hướng tới sự phát triển nghề nghiệp trong dài hạn.
Ví dụ: Sau hơn một năm làm việc, Nhân viên A quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp và muốn tìm kiếm một người mentor (người cố vấn) có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng. Anh ta tìm được một giám đốc nhân sự trong công ty làm người mentor.
Người mentor chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình về tuyển dụng, phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Tuyển dụng như: Ngoài việc hoàn thành tốt vai trò là một người tuyển dụng xuất sắc, anh cần mở rộng phạm vi công việc, tư duy trong công việc như xây dựng các chiến lực phát triển nguồn ứng viên lâu dài dựa trên kế hoạch kinh doanh của công ty thay vì chỉ tuyển các vị trí và số lượng theo yêu cầu.
Ngoài ra, anh còn học cách phát triển thương hiệu tuyển dụng để thu hút nhiều ứng viên hơn; Các nghiên cứu khác về thị trường lao động của ngành nghề công ty đang kinh doanh...Điều này giúp anh bổ sung các khoảng trống năng lực cho lộ trình phát triển lên vị trí Talent Acquision Supervisor mà anh đã vạch ra trong 2 năm tiếp theo.
Tóm lại, training tập trung vào việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng, coaching tập trung vào việc hướng dẫn và phát triển cá nhân và hoàn thành tốt các mục tiêu ngắn hạn, nâng cao hiệu suất làm việc; Còn mentoring tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp trong dài hạn hơn. Cả ba khái niệm này đều quan trọng và có vai trò đặc biệt