Các lưu ý khi xử lý Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc

Theo hướng dẫn về Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 thì không bao gồm trường hợp NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc. Tức là công ty sẽ không thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với trường hợp này.

Các lưu ý khi xử lý Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các lưu ý khi xử lý Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc.

Trong thực tế đi làm, có không ít trường hợp Người lao động không hoàn thành công việc có thể do yếu tố chủ quan là người lao động lười biếng hoặc không có trách nhiệm; Hoặc yếu tố khách quan là do người lao động chưa được hướng dẫn đầy đủ...Tuy nhiên, người quản lý trực tiếp của họ cứ yêu cầu Phòng Nhân sự phải xử lý sa thải.

Vậy thì với tình huống Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc thì người làm Nhân sự sẽ phải tư vấn như thế nào cho các quản lý trực tiếp hiểu và đảm bảo đúng quy trình, cũng như xử lý đúng quy định của Luật lao động? Mình cùng tìm hiểu trong bài học ngày hôm nay bạn nhé!

Thế nào là không hoàn thành công việc?

Trước đây, Theo quy định tại Điều 12 - Nghị định số 44/2003/NĐ-CP có hướng dẫn Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.

Tuy nhiên, hiện nay quy định trên đã hết hiệu lực và thay thế bằng Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, có thể thấy với quy định hiện hành thì công ty phải có quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động, trong đó phải bao gồm định nghĩa "thường xuyên" không hoàn thành công việc là bao nhiêu lần. Đồng thời, quy chế này phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vậy thì, định nghĩa không hoàn thành công việc sẽ không giống nhau ở các công ty.

Căn cứ pháp lý hướng dẫn về việc NLĐ không hoàn thành công việc

Như đã nói ở trên, theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.

Đồng thời, Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động tuỳ thuộc vào loại Hợp đồng lao động đang giao kết: 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng.

Và cũng theo Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định: Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động.

Như vậy, để có thể sử dụng quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc thì công ty cần đảm bảo có quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động, trong đó phải bao gồm định nghĩa "thường xuyên" không hoàn thành công việc là bao nhiêu lần. Đồng thời, quy chế này phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, công ty phải có đầy đủ bằng chứng để chứng minh NLĐ không hoàn thành công việc.

NLĐ không hoàn thành công việc có thể bị sa thải không?

Như đã nói ở phần Căn cứ pháp lý hướng dẫn về việc Người lao động không hoàn thành công việc thì công ty có thể sử dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tức là nó khác với định nghĩa sa thải. Mình đã có giải thích vấn đề này trong bài học Các lưu ý khi xử lý Người lao động tự ý nghỉ việc 5 ngày không có lý do. Bạn có thể xem lại trên trang blog hoặc kênh Youtube của hrvnacademy nhé!

Theo hướng dẫn về Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 thì không bao gồm trường hợp Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc. Tức là công ty sẽ không thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với trường hợp này.

Tuy nhiên, công ty có thể đưa quy định việc không hoàn thành công việc được giao là hành vi vi phạm của người lao động vào nội quy lao động, thì có thể áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng như: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức. Và nếu Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật thì lúc này công ty có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. (Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật - Khoản 3 Điều 125).

Và phải luôn tuân thủ 3 nguyên tắc vàng để Xử lý kỷ luật lao động đó là: đúng trình tự, đầy đủ thủ tục, đảm bảo trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Bạn có thể xem lại series bài hướng dẫn đầy đủ về Xử lý kỷ luật lao động trên blog và kênh Youtube của hrvnacademy.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Các lưu ý khi xử lý Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Hãy để lại lời nhắn tại đây cho Thành nhé! Nhớ đánh dấu tick ở mục "Notify me" để nhận được thông báo khi mình trả lời comment của bạn.

Previous Post Next Post