Các lưu ý khi xử lý Người lao động tự ý nghỉ việc 5 ngày không có lý do

Khi nói đến sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì chúng ta có thể hiểu đây là các hình thức mà công ty áp dụng để chấm dứt mối quan hệ lao động giữa hai bên tuỳ từng trường hợp cụ thể và được hướng dẫn bởi Bộ luật lao động.

Các lưu ý khi xử lý Người lao động tự ý nghỉ việc 5 ngày

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các lưu ý khi xử lý Người lao động tự ý nghỉ việc 5 ngày không có lý do.

Trong bài học Hỏi đáp nhanh về Bộ luật Lao động 2019 - Phần 2 chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu các quy định về các quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của Công ty và của Người lao động. Tuy nhiên, có một số tình huống phát sinh nếu chúng ta không hiểu đúng bản chất sẽ dẫn đến xử lý sai, đặc biệt là khi áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ hơn trong bài học ngày hôm nay.

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Căn cứ pháp lý

Trường hợp 1: Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên

Theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này và không phải tuân thủ thời gian báo trước cho người lao động.

Trường hợp 2: Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng

Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 có quy định Công ty được quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với Người lao động trong trường hợp này. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Đây là 2 trường hợp khác nhau, nhưng có rất nhiều bạn newbie nhầm lẫn trong quá trình xử lý, đó là không phân biệt được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Mình sẽ tiếp tục tìm hiểu ở phần tiếp theo.

Sự khác nhau giữa sa thải và đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động

Khi nói đến sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì chúng ta có thể hiểu đây là các hình thức mà công ty áp dụng để chấm dứt mối quan hệ lao động giữa hai bên tuỳ từng trường hợp cụ thể và được hướng dẫn bởi Bộ luật lao động. Tuy nhiên, nó sẽ có những khác biệt cần phải nắm rõ như sau:

Quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động: Tức là người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ cần tuân thủ thời gian báo trước theo loại Hợp đồng lao động đang ký. Ví dụ với Hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng thì phải báo trước 30 ngày; Và không cần tuân thủ thời gian báo trước trong trường hợp Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Sa thải: Là một hình thức xử lý kỷ luật lao động nặng nhất được quy định tại điều 124 và 125 Bộ luật lao động 2019. Tuy nhiên, phải đảm bảo tuân thủ Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động chứ không thể đơn phương ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là không chính xác và rất dễ phát sinh hậu quả pháp lý về sau. Bạn có thể xem lại bài hướng dẫn về Quy trình xử lý kỷ luật lao động bao gồm 3 phần mà mình đã chia sẻ trên blog hrvnacademy.com.

Vậy, quay lại 2 trường hợp trên để một lần nữa phân biệt rõ sự khác nhau:

Trường hợp 1: Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên => Công ty được áp dụng quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động.

Trường hợp 2: Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng => Công ty phải tiến hành Xử lý kỷ luật theo đúng trình tự, và có thể áp dụng hình thức xử lý cao nhất là Sa thải.

NLĐ bị sa thải vì tự ý nghỉ việc có phải bồi thường thời gian báo trước không?

Theo điều 124 Bộ luật lao động 2019 thì có 4 hình thức xử lý kỷ luật: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải. Tuỳ theo từng tình huống, mức độ vi phạm mà công ty sẽ áp dụng mức xử lý phù hợp theo quy định trong Nội quy lao động của công ty.

Vậy nên Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; Hoặc Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng thì Công ty có thể áp dụng hình thức xử lý cao nhất là thực hiện quyền Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Sa thải.

Đồng thời, Người lao động sẽ không bị áp dụng việc bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động 2019.

Tình huống thực tế

Để dễ hình dung và hiểu rõ bản chất của các quy định trên, mình sẽ cùng nhau tìm hiểu các ví dụ cụ thể sau đây:

Ví dụ 1: Nhân viên A đang ký HĐLĐ 12 tháng và tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục, sau đó quay trở lại làm việc. Và công ty đã tiến hành xử lý kỷ luật theo trình tự, hình thức áp dụng là Khiển trách bằng văn bản vì xét thấy nhân viên có thể thay đổi.

Ví dụ 2: Nhân viên A đang ký HĐLĐ 12 tháng và tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục, sau đó quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, công ty không đồng ý và thực hiện quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động và không cần báo trước 30 ngày. Và nhân viên A sẽ không bị áp dụng việc bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước theo quy định.

Ví dụ 3: Nhân viên A đang ký HĐLĐ 12 tháng và tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục, sau đó không quay trở lại làm việc và nghỉ luôn. Trường hợp này sẽ được xem là nhân viên A đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước theo quy định.

Ví dụ 4: Nhân viên A đang ký HĐLĐ 12 tháng và tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Công ty tiến hành xử lý kỷ luật theo trình tự và áp dụng hình thức Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng thay vì Sa thải.

Ví dụ 5: Nhân viên A đang ký HĐLĐ 12 tháng và tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng. Công ty tiến hành xử lý kỷ luật theo trình tự và áp dụng hình thức Sa thải. Đây là hình thức kỷ luật cao nhất, và nhân viên A không bị áp dụng việc bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước theo quy định.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Các lưu ý khi xử lý Người lao động tự ý nghỉ việc 5 ngày không có lý do. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Hãy để lại lời nhắn tại đây cho Thành nhé! Nhớ đánh dấu tick ở mục "Notify me" để nhận được thông báo khi mình trả lời comment của bạn.

Previous Post Next Post