Dù muốn dù không thì thế hệ Z (Gen Z) vẫn sẽ là lực lượng lao động chính trong tương lai, nên có một số mong đợi và yêu cầu từ các bạn có thể với chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý là hơi quá, nhưng không còn lựa chọn khác là phải tìm cách cân bằng và thích nghi.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học Tuyển dụng nâng cao cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Gen Z họ là ai? Bí quyết chinh phục ứng viên thế hệ Z (gen Z)
Theo các con số thống kê tham khảo, thì thế hệ Z (gen Z) hiện tại đã chiếm trên 20% lực lượng lao động và con số này sẽ tăng dần theo từng năm và sẽ sớm đạt mức cân bằng 50/50 với các thế hệ khác còn lại. Và có thể các bạn đang đọc bài viết này, đang tìm hiểu về khoá học tuyển dụng của HRVN ACADEMY cũng thuộc thế hệ Z; Vậy các bạn sẽ có một lợi thế là am hiểu các ứng viên này hơn đúng không nào?
Trong bài học này mình sẽ cùng nhau tìm hiểu về thế hệ Z khác gì so với các thế hệ trước khi tham gia vào lực lượng lao động; Sự mong đợi và kỳ vọng trong công việc của họ có gì khác với thế hệ khác. Làm sao để thu hút và giữ chân được họ? Mình cùng nhau tìm hiểu bạn nhé!
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Thế hệ Z (Gen Z) họ là ai?
Gần đây, trên các diễn đàn về việc làm, nghề nghiệp hay thậm chí là các buổi talkshow có các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý nhân sự tham gia hay có lời phàn nàn rằng không ít các bạn thế hệ Z mới ra trường hay bị ảo tưởng về sức mạnh, hơi đòi hỏi, làm việc ít trách nhiệm, dễ bỏ cuộc hơn các thế hệ lao động trước. Mình chưa phân tích đúng sai ở đây bạn nha, mà trước tiên mình cần hiểu Thế hệ Z (Gen Z) họ là ai?
Thế hệ Z (Gen Z - Generation Z ) là những người sinh ra trong khoảng từ các năm 1990 đến khoảng năm 2010. Và dãi tuổi được chấp nhận rộng rãi nhất khi nói về thế hệ Z là từ những năm 1997 đến những năm 2012.
Như các bạn đã biết, định nghĩa về thế hệ Z không cố định một khoảng chính thức vì nó sẽ có sự chênh lệch về mức độ tiếp nhận tri thức, môi trường sống...Kiểu như có những bạn bằng tuổi nhau nhưng một người rất già dặn và nhiều kinh nghiệm, một bạn thì vẫn ngay thơ vô số tội; Hay một bạn sinh ra và lớn lên ở vùng quê xa xôi hẻo lánh thì mức độ tiếp cận khoa học công nghệ sẽ ít nhiều không bằng các bạn ở trung tâm thành phố lớn.
Nói nôm na, thế hệ Z là thế hệ xã hội đầu tiên mà từ lúc sinh ra và lớn lên đã được tiếp cận với khả năng truy cập vào kho tri thức vô tận từ internet, kết nối không dây mọi lúc mọi nơi và nền công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Điều mà thế hệ trước có thể đã từng nghĩ điều đó chỉ có thể xảy ra trong truyện cổ tích. Đồng thời, hầu như thế hệ Z được đảm bảo cuộc sống cơ bản như ăn no, mặc ấm tốt hơn các thế hệ trước; Và hầu như nó không còn là một nhu cầu sống còn mà là mặc định họ đã được hưởng đầy đủ từ thế hệ cha mẹ của mình.
Hiểu thế hệ Z (Gen Z) mong đợi gì khi đi làm? Và cách thích nghi của người làm tuyển dụng
Dù muốn dù không thì thế hệ Z vẫn sẽ là lực lượng lao động chính trong tương lai, nên có một số mong đợi và yêu cầu từ các bạn có thể với chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý là hơi quá, nhưng không còn lựa chọn khác là phải tìm cách cân bằng và thích nghi. Mỗi thế hệ mỗi khác và sẽ có những sự ưu việt và nhược điểm riêng; Cho nên sự mong đợi công việc của thế hệ Z cũng sẽ khác. Và có một số thứ, những nhà quản lý cũ phải học cách chấp nhận là nó đang bắt đầu lỗi thời.
Sau đây là một số mong đợi của thế hệ Z khi chọn một công việc hoặc một công ty nào đó để gắn bó. Tất nhiên, nó sẽ không hoàn toàn chính xác với tất cả vì mỗi người mỗi cá tính khác nhau, sự kỳ vọng khác nhau; Và từ cái chung đó thì chúng ta sẽ có những cách đánh giá riêng với từng trường hợp đặc biệt.
Trải nghiệm ứng viên: Hiện tại, các bạn thế hệ Z nói riêng và người tìm việc nói chung không phải mất thời gian để mang hàng chục bộ hồ sơ tìm việc để đi nộp khắp nơi. Chỉ cần ngồi tại nhà và với một click chuột là đã có thể ứng tuyển vào một công ty nào đó. Điều này đồng nghĩa họ sẽ ứng tuyển được nhiều công ty hơn, tức có nhiều sự lựa chọn hơn. Đồng thời, có nhiều hình thức việc làm mới xuất hiện như: bán hàng online, KOL, KOC, Youtuber...nên họ có rất nhiều cơ hội thay vì chọn đi làm ở một công ty nào đó.
Cho nên công ty nào xem trọng việc luôn nâng cao trải nghiệm ứng viên sẽ dễ thu hút được ứng viên vào làm việc. Chẳng hạn như có nhiều kênh tiếp nhận CV qua email, fanpage, Linkedin, trên platform...Có email phản hồi, kịch bản gọi ra chuyên nghiệp, quy trình phỏng vấn rõ ràng, đúng deadline, thông tin tuyển dụng rõ ràng minh bạch...
Đây là một ví dụ rất nhỏ trong trải nghiệm ứng viên. Nhiều nhà tuyển dụng nhiều kinh nghiệm bỏ qua việc này, vẫn xem người tìm việc ở thế bị động, ứng viên cần mình hơn; Thực tế thì tư duy này vẫn còn khá nhiều ở các công ty gia đình, công ty có các sếp làm rất rất lâu năm và không cởi mở. Đặc biệt, các bạn thế hệ Z khá dị ứng với từ "xin việc", họ thích buổi phỏng vấn trên tinh thần win-win và chúng ta cần nhau, chứ không phải công ty đã cho họ một ân huệ.
Chế độ tổng đãi ngộ rõ ràng: Tổng đãi ngộ ở đây bao gồm cả lương, thưởng, phúc lợi và các quyền lợi liên quan đến người lao động. Ai đi làm cũng muốn thu nhập tốt cả, không chỉ là thế hệ Z. Mình còn nhớ đã từng phỏng vấn các bạn gen Z, thì khi offer lương thường các bạn đề xuất một mức mong đợi khá cao và mình thấy không ngạc nhiên; Đơn giản là vì bình quân một tháng tiền học và sinh hoạt phí Đại học của họ rơi vào tầm 5 đến 10 triệu, cho nên họ luôn kỳ vọng sau 4-5 năm đèn sách với tấm bằng hạng ưu trên tay thì ít nhất đi làm phải được mức này trở lên chứ.
Cho nên với ứng viên tiềm năng, theo mình nhà tuyển dụng có thể có nhiều chia sẻ hơn về những điều bạn sẽ được khi làm tại công ty ngoài lương, như được làm việc với quản lý nhiều kinh nghiệm, văn hoá chia sẻ tại phòng ban bạn ấy sẽ làm việc sẽ giúp bạn ấy học hỏi được nhiều điều thực tế.
Đồng thời, có thể hướng dẫn bạn ấy tham khảo lại khung lương chung trên thị trường cho vị trí này, và offer bạn đưa ra nên dựa trên năng lực hiện tại chứ không phải năng lực tương lai. Và cũng có bạn trả lời mình rằng, bạn không quá đặt nặng mức lương trong năm đầu đi làm, mức offer bạn đưa ra đơn giản là dựa trên chi tiêu hàng tháng của bạn. Và sau 3 ngày cân nhắc, bạn ấy đã rất vui vẻ chấp nhận mức offer theo khung chung của công ty (Cái này khác với việc cố tình "ép" lương các bạn mới ra trường nha các bạn)
Tất nhiên, nhiều bạn mới ra trường có mức thu nhập tốt hơn như vậy, nhưng không phải là số đông. Việc một số bạn thế hệ Z đặt kỳ vọng vào một mức thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường có thể do xuất phát điểm của các bạn tốt hơn các thế hệ trước. Cho nên, nhà tuyển dụng cần làm tốt hơn vai trò tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho các bạn để có thể tận dụng và phát huy điểm mạnh của thế hệ lao động này.
Văn hoá danh nghiệp hiện đại: Nó bao gồm cả cơ sở vật chất, không gian làm việc, thời gian làm việc...Các bạn thế hệ Z có yêu cầu cao hơn về điều này, đặc biệt là họ rất thích các công ty có chế độ làm việc linh hoạt (Hybrid Work), có thể làm việc từ xa một số ngày trong tháng. Thế hệ Z sẵn sàng cày ngày cày đêm để chạy deadline, nhưng họ cũng rất biết lắng nghe tiếng nói bên trong bản thân, nên vấn đề chăm sóc sức khoẻ và nghỉ ngơi, cũng như môi trường làm việc lành mạnh sẽ là điểm ưu tiên của các bạn khi chọn công ty.
Các hoạt động gắn kết nhân viên (Employee Engagement) là một trong những bộ phận bắt đầu xuất hiện ở các công ty, đặc biệt là các công ty start up, công ty về lĩnh vực công nghệ...nhằm tiếp cận và làm truyền thông số nội bộ thay vì các thông báo bằng giấy cứng nhắc, các quy định khô khan...thì nay nó được số hoá thành các content hợp trend, các clip ngắn từ chính các nhân viên ghi lại khi làm việc sẽ lan toả (viral) mạnh mẽ hơn.
Cho nên, khi đăng tin tuyển dụng thì ngoài việc show ra các tổng đãi ngộ hấp dẫn thì nhà tuyển dụng cũng cần show ra nhiều hơn về văn hoá doanh nghiệp thông qua các hoạt động làm thương hiệu tuyển dụng (Employer Branding), các hoạt động xã hội...Đặc biệt là đa dạng về văn hoá, giới tính, sự riêng tư...Vì các bạn thế hệ này được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá khác nhau qua social media, cho nên họ rất đề cao quyền cá nhân và con người.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý và làm việc: Như đã nói ở trên thì thế hệ Z là thế hệ xã hội đầu tiên mà từ lúc sinh ra và lớn lên đã được tiếp cận với khả năng truy cập vào kho tri thức vô tận từ internet, kết nối không dây mọi lúc mọi nơi và nền công nghệ kỹ thuật số tiên tiến cho nên các công ty có quy trình chuẩn và ứng dụng công nghệ, giảm thiểu tối đa giấy tờ, loại bỏ các cuộc họp trực tiếp liên miên không cần thiết sẽ giúp tối đa hoá năng suất làm việc của các bạn thế hệ này. Đây là một trong những điểm thu hút mà nhà tuyển dụng có thể show ra khi phỏng vấn các bạn gen Z.
Lộ trình phát triển nghề nghiệp (Career Path) minh bạch, rõ ràng: Với các bạn thế hệ Z, họ luôn muốn đồng hành và phát triển cùng với doanh nghiệp mà họ chọn làm việc. Điều đó đồng nghĩa công ty phải thật chỉn chu trong quy trình Onboarding để truyền tải Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của công ty đến các nhân viên. Nhờ đó, họ cảm nhận được mình là một mắt xích trong sự phát triển của công ty, cùng tiếng nói và cùng chí hướng tiến về phía trước.
Điều đó đồng nghĩa công ty cũng phải có các chương trình đánh giá để nhận diện tài năng và có lộ trình để họ được phát triển. Bên cạnh các khoản thưởng vật chất, việc được ghi nhận và tạo điều kiện, có lộ trình nâng cao kỹ năng và phát triển nghề nghiệp rõ ràng cũng là yếu tố gia tăng sự gắn kết của các bạn gen Z.
Cẩn trọng với các thông tin về công ty trên mạng xã hội: Văn hoá bốc phốt là một cách nói vui về các bạn nhân viên thế hệ Z, họ thường có thói quen xem review trước khi đi phỏng vấn, hay thậm chí là đăng đàn trong các hội nhóm để xin ý kiến...Mặc dù không thể kiểm soát hoàn toàn các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, nhưng có thể hạn chế tối đa điều này bằng cách thiết lập nhiều công cụ hiện đại để ghi nhận nhanh nhất, sớm nhất các phản hồi của nhân viên và cùng tìm giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề của họ.
Không phải tất cả ứng viên đều căn cứ vào các review trên mạng xã hội để đánh giá về công ty, nhưng ít nhiều nó cũng có tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển của họ. Cho nên, việc luôn theo dõi và xử lý nhanh chóng khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội cũng là một vấn đề mà nhà tuyển dụng cần lưu tâm.
Thế hệ Z, thế hệ sẵn sàng nhảy việc để thử thách bản thân?
Khác với sự ổn định nghề nghiệp vốn có của thế hệ trước, các bạn thuộc thế hệ Z có xu hướng đổi việc nhiều hơn khi họ cảm thấy môi trường độc hại, không có cơ hội phát triển...hay chỉ đơn giản là họ muốn thử thách và gia tăng trải nghiệm bản thân. Cho nên, việc có một quy trình bài bản Phát triển nghề nghiệp cho nhân viên tiềm năng là một điều rất quan trọng với các bạn nhân sự thế hệ mới.
Đặc biệt là các công việc có mức thu nhập thấp hoặc trung bình, không đảm bảo các chính sách theo quy định, không chăm sóc người lao động, lương thưởng không minh bạch rõ ràng...thì các bạn gen Z có thể bấm nút "exit" trong vòng một nốt nhạc mà không cần đắn đo ngày mai ra sao. Đừng đỗ hết hoàn toàn lỗi về họ vì họ am hiểu luật lao động hơn, tính cá nhân hoá cao hơn...; Đây cũng là lúc mà công ty nên nghiêm túc rà soát lại tư duy về lao động thế hệ mới.
Dù muốn dù không, thì các nhà quản lý phải học cách tư duy theo kiểu Gen Z để thích ứng với thế hệ lao động mới đang sắp và sẽ chiếm đa số. Chúng ta không thể giữ mãi các quan điểm quản lý, chế độ chính sách cũ kỹ vì sẽ sớm bị chính thế hệ lao động mới này đào thải. Thay vì than phiền vì một số điểm không ưu việt của thế hệ này, thì hãy tập trung vào các điểm mạnh của họ để cân bằng và giữ chân họ.
Một ví dụ đơn giản trong buổi phỏng vấn để thấy có những thứ không phải thế hệ Z đòi hỏi, mà chính các nhà quản lý bắt đầu lỗi thời. Thay vì nhà tuyển dụng được quyền hỏi ứng viên là "Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn vào vị trí này", thì ngược lại nhà tuyển dụng cũng phải thật cởi mở khi được ứng viên hỏi lại: "Tôi được gì khi làm việc tại công ty này"; Chứ đừng nghĩ ứng viên này mới đi phỏng vấn mà đã đòi hỏi, hoạnh hoẹ nhà tuyển dụng.
Không riêng thế hệ Z, thế hệ nào cũng có điểm ưu việt và không ưu việt; Những nhân viên thế hệ Z đa số luôn có mong muốn thấy được sự tôn trọng, trao quyền và tự do trong công việc từ quản lý trực tiếp và Ban lãnh đạo (BOD); tiếp theo là sự công bằng, không gian phát triển và thăng tiến cá nhân, và cuối cùng là điểm chạm cảm xúc, cảm thấy được thuộc về. Hãy hiểu họ để có thể chinh phục và phát huy tối đa các điểm mạnh của thế hệ lao động mới (thế hệ Z) các bạn nhé!
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng