Đi thực tập là một yêu cầu bắt buộc của hầu hết các trường Cao đẳng, Đại học trước khi sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp ra trường.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Nên ký hợp đồng gì với thực tập sinh?
Trong bài học Hợp đồng học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp là gì? Thời gian này có đóng BHXH không? Mình đã cùng nhau tìm hiểu các quy định của Bộ luật lao động 2019 hiện hành về các hướng dẫn chi tiết cho loại hợp đồng này. Đây là loại Hợp đồng mà công ty tuyển dụng người vào đào tạo kiến thức thực tế, để sau đó làm việc cho công ty.
Tuy nhiên, trong thực tế lại có một hình thức khác đó là tuyển các bạn sinh viên vào thực tập tại công ty. Mục đích của việc tuyển thực tập sinh ở mỗi công ty là khác nhau; Nhưng nhìn tổng thể thì việc này đều mang ý nghĩa là tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, và đây cũng là một yêu cầu bắt buộc trước khi ra trường của hầu hết các trường Cao đẳng, Đại học. Vậy thì khi tuyển dụng các bạn thực tập sinh thì nên ký hợp đồng gì cho phù hợp? Cùng tìm hiểu bạn nhé!
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Thực tập sinh là gì?
Không có định nghĩa cụ thể về Khái niệm thực tập sinh; Tuy nhiên, dựa trên thực tế thì chúng ta có thể hiểu khi nhắc đến Thực tập sinh tức là muốn nhắc đến đối tượng thường là các bạn sinh viên năm cuối, tham gia một chương trình thực tập tại một doanh nghiệp nào đó nhằm tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, thực hiện một số công việc từ đơn giản đến nâng cao theo yêu cầu để tích lũy kinh nghiệm.
Đi thực tập là một yêu cầu bắt buộc của đa số các trường Cao đẳng, Đại học trước khi sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, với sự chủ động của các bạn sinh viên hiện nay, thì nhiều bạn tự tìm kiếm các cơ hội thực tập vào thời gian trống lịch học để tự bổ sung kiến thức thực chiến cho bản thân.
Các sinh viên khi đi thực tập ở doanh nghiệp thường được yêu cầu cung cấp thông tin thẻ sinh viên, chuyên nghành học, giấy giới thiệu của nhà trường...Và phải trải qua một buổi phỏng vấn để đánh giá kiến thức cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai để công ty quyết định xem có phù hợp với vị trí mà công ty đang tuyển thực tập sinh hay không?
Tại sao các công ty thường tuyển Thực tập sinh?
Tùy mỗi giai đoạn hoặc tùy mục đích mỗi doanh nghiệp, mà họ có rất nhiều lý do khác nhau để tuyển thực tập sinh. Có công ty thì lâu lâu mới tuyển, có công ty thì xem đây là chương trình hàng năm. Sau đây là các lý do mình đưa ra cho các bạn tham khảo:
Làm thương hiệu tuyển dụng: Nhiều công ty xem chương trình thực tập sinh hàng năm là cách để làm thương hiệu tuyển dụng, nhờ sự kết hợp với các trường đào tạo nghành nghề có thể xem là nguồn nhân lực phù hợp của công ty. Thông qua chương trình định kỳ hàng năm này mà công ty được biết đến nhiều hơn, và có thể tuyển dụng các bạn thực tập sinh sau khi các bạn tốt nghiệp ra trường.
Hỗ trợ các công việc thời vụ: Nhiều công ty thường tuyển thực tập sinh để vào hỗ trợ các công việc giản đơn và có tính chất lặp đi lặp lại. Vừa giúp công ty giảm tải công việc, vừa tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc môi trường thực tế, được làm và tích lũy kinh nghiệm. Một số công ty sẽ hỗ trợ cho các bạn một khoản trợ cấp trong giai đoạn này.
Tìm kiếm nhân viên tiềm năng: Thực tập sinh có thể được coi như một quá trình tuyển dụng dài hạn. Công ty có thể đánh giá thực tập sinh trong thời gian làm việc và xem xét khả năng của họ để trở thành nhân viên chính thức trong tương lai. Điều này giúp công ty tìm kiếm và giữ chân những tài năng tiềm năng.
Khi nhận thực tập sinh thì nên ký Hợp đồng gì?
Theo quy định và hướng dẫn của Bộ luật Lao động 2019 hiện hành, thì chưa có quy định về quan hệ giữa Công ty và thực tập sinh; Hay nói đơn giản là quan hệ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật lao động. Có một số công ty thì chỉ có thỏa thuận miệng, một số công ty có nhiều quy định bảo mật và chương trình thực tập sinh bài bản hơn thì có ký Thỏa thuận với thực tập sinh bằng văn bản.
Và theo Điều 93 Luật giáo dục số 43/2019/QH14 khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, hợp tác với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học.
Như vậy, Công ty có thể căn cứ trên nhu cầu và định hướng chương trình thực tập sinh để đưa ra các điều khoản và Ký thỏa thuận thực tập này. Nội dung thỏa thuận có thể bao gồm: Các quy định về bảo mật, bí mật kinh doanh, thời gian thực tập, nội dung chương trình được hướng dẫn, quy định và xác nhận hoàn thành thực tập, các khoản hỗ trợ nếu có từ công ty...
Thỏa thuận thực tập và Hợp đồng Học nghề, tập nghề có khác nhau không?
Theo cá nhân mình, thì Thỏa thuận thực tập và Hợp đồng Học nghề, tập nghề hoàn toàn khác nhau về bản chất. Tuy nhiên, có thể thấy một thực tế là ranh giới giữa các khái niệm này khá mong manh, nên chỉ cần đổi góc nhìn là có thể sẽ khác.
Thỏa thuận thực tập: Như mình đã phân tích ở trên, công ty cần đảm bảo đối tượng là các bạn có thẻ sinh viên, giấy giới thiệu của nhà trường và tham gia chương trình thực tập sinh của công ty theo đúng bản chất. Với trường hợp này, đối tượng thực tập sinh sẽ chưa thuộc quan hệ lao động với doanh nghiệp, chưa được tham gia các khoản Bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, công ty không bị ràng buộc phải ký Hợp đồng lao động sau khi kết thúc thời gian thực tập.
Và nếu công ty có chi trả khoản hỗ trợ trong thời gian thực tập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì sẽ bị khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Tuy nhiên, nếu người nhận hỗ trợ làm mẫu cam kết 08/CK-TNCN, cam kết chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty mà tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người đó.
Hợp đồng Học nghề, tập nghề: Loại Hợp đồng này được quy định trong Bộ luật Lao động 2019 hiện hành, nên bắt buộc phải tuân thủ đúng các quy định. Đây là loại Hợp đồng mà công ty tuyển dụng người vào để đào tạo kiến thức thực tế, sau đó sẽ làm việc cho công ty. Cho nên, công ty phải ký Hợp đồng lao động sau khi kết thúc đào tạo hoặc tập nghề.
Thực tế tại doanh nghiệp hiện nay, nhiều công ty tuyển thực tập sinh là các bạn đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có kinh nghiệm. Và công ty chỉ ký Thỏa thuận thực tập nhằm mục đích đào tạo lại các bạn từ 2 đến 6 tháng; Sau đó mới ký Hợp đồng thử việc; Rồi đạt thử việc rồi mới ký chính thức.
Với trường hợp này thì công ty nên có sự thỏa thuận rõ ràng từ ban đầu với ứng viên. Đồng thời, với lộ trình này khi bị thanh tra thì sẽ tùy thuộc vào độ linh động của Sở/Phòng lao động địa phương nơi đó. Nên theo mình, nếu công ty thực sự có nhu cầu tuyển dụng vị trí đó nhưng cần đào tạo thì chỉ cân nhắc ký Hợp đồng tập nghề 3 tháng, sau đó ký tiếp Hợp đồng lao động vừa đảm bảo đúng quy định, và chi phí lương được xem là chi phí hợp lý của doanh nghiệp mà không phải mất nhiều thời gian "bùa" hay giải trình.
Cho nên, quan trọng là công ty xác định rõ mục đích khi tuyển thực tập sinh là gì? Đối tượng tuyển là sinh viên năm cuối hay các bạn đã tốt nghiệp ra trường để có thể cân nhắc loại Hợp đồng phù hợp. Bên cạnh đó, một số công ty lại tuyển dụng các bạn thực tập sinh như cộng tác viên lâu dài của công ty thì nên ký hợp đồng gì? Các căn cứ pháp lý ra sao? Mình sẽ cùng phân tích trong bài học tiếp theo bạn nhé!
Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Thực tập sinh là gì? Nên ký hợp đồng gì với thực tập sinh? Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng