Khi ký Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng cộng tác viên, thì có thể hiểu là công ty và cá nhân cung cấp dịch vụ đang ký với nhau Hợp đồng dịch vụ. Tức là đang xác lập mối quan hệ dựa trên hướng dẫn của Luật Dân sự.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Phân biệt Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng cộng tác viên (Gọi chung là Hợp đồng dịch vụ) với Hợp đồng lao động.
Trong bài học trước, mình đã cùng nhau tìm hiểu Thực tập sinh là gì? Nên ký hợp đồng gì với thực tập sinh? Đồng thời, sau khi kết thúc thời gian thực tập, một số bạn vẫn tiếp tục làm việc với công ty để nhận một số công đoạn trong công việc và có được trả lương, nhưng chỉ với hình thức hợp tác không toàn thời gian. Một số công ty đã chọn ký Hợp đồng cộng tác viên hoặc Hợp đồng khoán việc với các bạn đó. Trường hợp này sẽ được hiểu như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài học ngày hôm nay bạn nhé!
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng Cộng tác viên là gì?
Theo các văn bản về Pháp luật Lao động hiện hành thì chưa có quy định nào về loại Hợp đồng khoán việc và Hợp đồng cộng tác viên. Tuy nhiên trong thực tế, hai loại hợp đồng này đang được khá nhiều công ty sử dụng để ký kết với các cá nhân cung cấp dịch vụ mang tính chất ngắn hạn. Cho nên, mình sẽ cùng nhau tìm hiểu các định nghĩa mang tính tương đối để cùng làm rõ bản chất vấn đề bạn nhé!
Hợp đồng khoán việc: Là hợp đồng ghi nhận các thoả thuận của 2 bên, bao gồm bên cung cấp dịch vụ nhận nhiệm vụ hoàn thành một công việc nhất định nào đó của bên thuê dịch vụ và được trả một mức phí do hai bên thống nhất . Ở đây, mình xét bên cung cấp dịch vụ là cá nhân không đăng ký kinh doanh.
Cá nhân cung cấp dịch vụ với vai trò người nhận khoán, sẽ tự trang bị đầy đủ các công cụ làm việc, nguyên vật liệu và có thể bao gồm cả sức lao động để hoàn thành công việc được giao khoán, đảm bảo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn và đúng tiến độ. Hợp đồng khoán việc thường được giao kết đối với những công việc mang tính thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định.
Ví dụ đơn giản về Hợp đồng khoán việc như là: Công ty đang có nhu cầu vệ sinh kính toà nhà văn phòng trong 2 ngày cuối tuần. Và công ty đã ký hợp đồng khoán việc trọn gói với một đại diện cá nhân để làm việc này. Cá nhân đại diện cung cấp dịch vụ này tự chuẩn bị các công cụ làm việc, các hoá phẩm cần thiết, số người cần có để thực hiện nhiệm vụ của mình, đảm bảo hoàn thành tiến độ và yêu cầu chi tiết cho bên thuê; Sau khi hoàn thành sẽ được thanh toán phí dịch vụ cho đại diện cá nhân như đã thoả thuận trước đó.
Hợp đồng cộng tác viên: Về bản chất, thì hợp đồng cộng tác viên không khác nhiều với Hợp đồng khoán việc. Tuy nhiên, tuỳ từng đặc thù sản phẩm mà bên thuê dịch vụ muốn thay đổi tên gọi cho phù hợp với mối quan hệ đó. Ở đây, mình cũng xét bên cung cấp dịch vụ là cá nhân không đăng ký kinh doanh.
Ví dụ đơn giản về Hợp đồng cộng tác viên như là: Công ty đang cần làm mới nội dung cho website và thuê một bạn freelancer nhận viết 100 bài theo chủ đề và yêu cầu mà công ty đưa ra trong vòng 3 tháng, tiến độ bàn giao theo giai đoạn và nhận phí dịch vụ khi hoàn thành, không cần đến công ty làm việc; Công ty đã ký với bạn này Hợp đồng cộng tác viên 3 tháng.
Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng Cộng tác viên là Hợp đồng dịch vụ?
Từ khái niệm mà mình cùng nhau tìm hiểu về Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng cộng tác viên ở trên, thì có thể hiểu là công ty và cá nhân cung cấp dịch vụ đang ký với nhau Hợp đồng dịch vụ. Tức là đang xác lập mối quan hệ dựa trên hướng dẫn của Luật Dân sự.
Hợp đồng dịch vụ: Để hiểu hơn về Hợp đồng dịch vụ, các bạn có thể tham khảo từ Điều 513 đến Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015. Mình trích dẫn để các bạn tham khảo như bên dưới; Và đây cũng chính là các nội dung cần được thể hiện khi ký Hợp đồng dịch vụ:
- Điều 513: Có quy định về hợp đồng dịch vụ như sau: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
- Điều 514: Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Điều 515: Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ:
1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi;
2. Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.
- Điều 516: Quyền của bên sử dụng dịch vụ
1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Điều 517: Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
3. Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
- Điều 518: Quyền của bên cung ứng dịch vụ
1. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
3. Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
- Điều 519: Trả tiền dịch vụ
1. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
2. Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
3. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Điều 520: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khi nào thì Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng Cộng tác viên là Hợp đồng lao động?
Trong bài học Các loại Hợp đồng lao động và hướng dẫn soạn thảo, mình đã có cùng nhau tìm hiểu các căn cứ pháp lý liên quan. Mình trích dẫn lại một phần để các bạn tham khảo. Nếu bạn chưa xem, có thể xem lại trên blog hoặc kênh Youtube của Hrvnacademy nhé!
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Được quy định tại điều 13 đến điều 51, hướng dẫn về các nội dung cần phải có thể hiện trong hợp đồng lao động, các loại hợp đồng được phép ký theo từng đối tượng, thời gian thử việc, mức lương trong quá trình thử việc...
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Điều này mới được bổ sung ở Bộ luật lao động 2019 giúp tăng tính nhận diện đâu là quan hệ lao động và phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
Có nghĩa là có thể công ty đang ký với Người lao động hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng khoán việc (Gọi chung là Hợp đồng dịch vụ)..., các điều khoản của các hợp đồng này được đưa ra dựa trên căn cứ của Luật Dân sự. Tuy nhiên, nếu có phát sinh tranh chấp giữa hai bên, khi xem xét lại bản chất mối quan hệ đang có phát sinh việc trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì mặc nhiên nó được xem là quan hệ lao động và căn cứ theo Bộ luật Lao động để xử lý.
Thực tế áp dụng Hợp đồng dịch vụ ở các doanh nghiệp hiện nay như thế nào?
Vẫn còn khá nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc Công ty ký Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng cộng tác viên (Mình gọi chung là Hợp đồng dịch vụ). Mình trích dẫn lại một số căn cứ pháp lý mà bên phản biện đưa ra để chứng minh rằng Hợp đồng dịch vụ mà các công ty đang áp dụng với cá nhân cung cấp dịch vụ là chưa phù hợp.
- Điều 513 Có quy định về hợp đồng dịch vụ như sau: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
- Điều 3.9 Luật Thương mại 2005 quy định: Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
- Điều 3.1 Luật Thương mại 2005 quy định: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
- Theo Điều 2.3, Luật Thương mại 2005 quy định: Các hoạt động thương mại đều phải được thực hiện bởi thương nhân có đăng ký kinh doanh, chỉ trừ trường hợp “cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”.
Những trường hợp ngoại lệ mà cá nhân không phải đăng ký kinh doanh bao gồm các loại hình dịch vụ nhỏ lẻ như: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định...Và không được gọi là thương nhân (Trích Nghị định 39/2007/NĐ-CP).
=> Từ những căn cứ pháp lý trên có thể đưa ra kết luận, việc công ty ký Hợp đồng dịch vụ với các cá nhân cung cấp dịch vụ không có đăng ký kinh doanh (trừ trường hợp ngoại lệ đã trích dẫn) là chưa phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, từ Luật đến thực tế thì vẫn còn một số khoảng cách. Vì có nhiều vị trí, công việc mà công ty có nhu cầu thuê mướn lao động trong ngắn hạn nhưng không thể ký Hợp đồng lao động vì các lý do như: Người lao động không muốn bị ràng buộc thời gian báo trước khi nghỉ, họ chỉ xác định đây là sự hợp tác ngắn hạn và không có ý định gắn bó...Và nếu nhiều ràng buộc thì họ không làm, nhất là với lao động phổ thông hoặc freelancer.
Cho nên, quay lại vấn đề áp dụng Hợp đồng dịch vụ thì các công ty cần lưu ý bản chất là các công việc thời vụ, ngắn hạn, theo dự án và không lặp đi lặp lại liên tục, không kiểm soát và quản lý người lao động và chỉ quan tâm kết quả cuối cùng theo thoả thuận, phí dịch vụ thanh toán theo tiến độ hoặc khi hoàn thành chứ không lặp đi lặp lại mang tính chất chu kỳ như trả lương...
Đặc biệt, trong nội dung Hợp đồng dịch vụ có thể tránh dùng các từ như: Người lao động mà thay bằng bên cung cấp dịch vụ, thay từ lương bằng phí dịch vụ, không có nội dung quy định về kỷ luật kỷ cương, thời gian làm việc...Và tất nhiên, phải đúng bản chất thuê cộng tác viên hoặc khoán việc chứ không phải cố tình đánh tráo khái niệm.
Hợp đồng dịch vụ có phải đóng BHXH và Thuế TNCN hay không?
Khi đã xác định Hợp đồng dịch vụ đúng nghĩa, và không phát sinh quan hệ lao động theo điều chỉnh của Bộ luật lao động thì Công ty sẽ không đóng các khoản Bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp ký hợp đồng này.
Căn cứ vào Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì vẫn áp dụng mức thu 10% với các cá nhân cung cấp dịch vụ này khi nhận mức chi trả từ 2.000.000 đồng/lần trở lên. Nếu làm mẫu cam kết 08/CK-TNCN, cam kết chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty mà tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người đó.
Tóm tắt lại các phân tích dựa trên các cơ sở pháp lý trong xuyên suốt bài học, thì có thể nhận thấy một điều khi công ty sử dụng Hợp đồng dịch vụ sẽ đối diện với một rủi ro đó là: Cá nhân cung cấp dịch vụ (trừ trường hợp ngoại lệ) sẽ được thừa nhận đến mức độ nào? Cho nên, nhiều công ty đã bỏ và không dùng loại Hợp đồng này. Một số khác bắt buộc phải sử dụng Hợp đồng dịch vụ thì cần phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và tuyệt đối không đánh tráo khái niệm với Hợp đồng lao động để mức rủi ro là thấp nhất có thể.
Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về chủ đề Phân biệt Hợp đồng khoán việc, Hợp đồng cộng tác viên với Hợp đồng lao động. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng