Hợp đồng học nghề, tập nghề là gì? Thời gian này có đóng BHXH không?

Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.

Hợp đồng học nghề, tập nghề là gì

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Hợp đồng học nghề, tập nghề là gì? Thời gian học nghề, tập nghề có đóng BHXH không?

Khi làm công việc C&B, ngoài tìm hiểu về Các loại Hợp đồng lao động; Thì bạn cần tìm hiểu thêm về Hợp đồng Học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp. Mặc dù nó không quá phổ biến nhưng vẫn có nhiều công ty đang sử dụng.

Và bạn cần lưu ý là bài học này mình tìm hiểu về Hợp đồng học nghề, tập nghề để làm việc cho công ty; Nó sẽ khác với hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động. Cùng tìm hiểu bạn nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Thế nào là Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

Theo Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 đã có định nghĩa về Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động như sau:

Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động: Là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Và đồng thời phải tuân theo hướng dẫn của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành.

=> Vậy thì để có thể tuyển người vào học nghề thì Công ty cần phải có một khung chương trình đào tạo bài bản bao gồm cả lý thuyết, thực hành. Đối tượng học thường là người chưa có kiến thức, kỹ năng và sẽ được đào tạo, hướng dẫn bởi chuyên gia nội bộ hoặc giáo viên mà công ty liên kết với các trường / trung tâm đào tạo nghề bên ngoài.

Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động: Là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. 

=> Vậy thì, đối tượng được tuyển vào Tập nghề thường là người đã có kiến thức nền, được đào tạo, hướng dẫn tập trung về việc thực hành và được làm quen công việc thực tế; Hay nói nôm na là được cầm tay chỉ việc. Mục tiêu tập nghề là sau khi kết thúc thời gian này, người học có thể làm việc thành thạo tại một vị trí công việc nhất định.

Thời gian học nghề, tập nghề tối đa là bao lâu?

Học nghề: Bộ luật lao động 2019 chưa có quy định cụ thể về thời gian Học nghề. Thời gian học nghề sẽ phụ thuộc vào chương trình đào tạo do người sử dụng lao động thiết kế và xây dựng theo từng trình độ đầu vào  theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Tập nghề: Theo Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 thời hạn tập nghề tối đa không quá 03 tháng. Thường tập trung ở một số nghành nghề đặc thù, thay vì ký Hợp đồng thử việc thì công ty ký Hợp đồng tập nghề để có nhiều thời gian hơn để đào tạo, hướng dẫn để người được tuyển dụng có thể thích nghi, không bị quá tải trước khi ký Hợp đồng lao động chính thức.

Quy định về tuổi tác và sức khoẻ người tham gia Học nghề, Tập nghề

Đối với nghành nghề, công việc thông thường: Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Một số công ty có thể yêu cầu có sự xác nhận đồng ý của gia đình để đảm bảo tránh rủi ro.

Đối với nghành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại: Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Học phí và Hợp đồng đào tạo

Về học phí: Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí.

Hợp đồng đào tạo: Người sử dụng lao động phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành (Điều 39), bao gồm các nội dung sau:

  • Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
  • Địa điểm đào tạo;
  • Thời gian hoàn thành khóa học;
  • Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
  • Thanh lý hợp đồng;
  • Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
  • Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
  • Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
  • Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.


Phần học phí như đã nói ở trên thì người sử dụng lao động sẽ không được thu phí việc học nghề, tập nghề để làm việc cho mình. Tuy nhiên, công ty vẫn nên thể hiện rõ các khoản chi phí đào tạo chi tiết để làm cơ sở thoả thuận trách nhiệm bồi thường khi người tham gia vi phạm Hợp đồng học nghề, tập nghề này.

Công ty có phải trả lương trong thời gian Học nghề, Tập nghề?

Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa, với Hợp đồng học nghề, tập nghề sẽ không bị ràng buộc việc trả lương tối thiểu 85% mức lương thoả thuận như Hợp đồng thử việc.

Có một số công ty căn cứ vào điều này để "ép" người lao động nhận một mức thù lao rất thấp với công sức bỏ ra trong thời gian này. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh của thị trường lao động hiện nay, thì tư duy này sẽ không còn phù hợp và công ty sẽ rất khó để có thể tuyển dụng được người lao động. Và đương nhiên, công ty sẽ phải tự điều chỉnh lại cho phù hợp với thị trường.

Hết thời gian Học nghề, tập nghề thì sẽ ký tiếp Hợp đồng gì?

Vấn đề này có khá nhiều tranh cãi, nhất là ở một số công ty đang sử dụng Hợp đồng học nghề, tập nghề, thử việc để tối ưu chi phí. Mình trích dẫn lại quy định của Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ: Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

Vậy thì theo mình, sau khi hoàn thành thời gian học nghề, tập nghề và đạt những yêu cầu theo quy định trong Hợp đồng đào tạo, khung chương trình đào tạo mà 2 bên đã thoả thuận; Thì công ty sẽ phải ký tiếp Hợp đồng lao động với người hoàn thành chương trình học nghề, tập nghề chứ không được yêu cầu họ tiếp tục bằng Hợp đồng thử việc.

Thực tế mình thấy, chi phí tuyển dụng và đào tạo được một người lao động phù hợp là rất cao; Nên công ty đừng chỉ vì tối ưu 15% thu nhập của người lao động (vì thử việc chỉ phải trả tối đa 85% thu nhập) và giảm được chi phí đóng các khoản Bảo hiểm bắt buộc trong thời gian này mà có thể rơi vào tình huống tính già hoá non.

Thời gian Học nghề, Tập nghề có phải đóng các khoản Bảo hiểm bắt buộc không?

Trong bài học Tìm hiểu Luật BHXH, mình đã cùng nhau tìm hiểu qua đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Vậy thì, với Hợp đồng Học nghề, Tập nghề thì công ty chưa phải đóng các khoản Bảo hiểm bắt buộc cho đối tượng này. Tuy nhiên, cần lưu ý là thời gian học nghề, tập nghề sẽ được tính phép năm nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề.

Thời gian Học nghề, Tập nghề có phải đóng thuế TNCN hay không?

Trong bài học Tìm hiểu về Thuế Thu nhập cá nhân, mình cũng đã tìm hiểu về Đối tượng đóng thuế TNCN; Trong đó có quy định về mức thu thuế TNCN đối với trường hợp Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng và phát sinh chi trả với tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì sẽ bị khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Vậy thì trong thời gian Hợp đồng Học nghề, Tập nghề và được chi trả thu nhập từ 2 triệu VNĐ trở lên, thì sẽ bị tính 10% thuế TNCN trên số thu nhập. Tuy nhiên, nếu người lao động làm mẫu 02/CK-TNCN (Update T7/2022: Mẫu 08/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC), cam kết chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty mà tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người đó.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về Hợp đồng học nghề, tập nghề là gì? Thời gian học nghề, tập nghề có đóng BHXH không?. Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Hãy để lại lời nhắn tại đây cho Thành nhé! Nhớ đánh dấu tick ở mục "Notify me" để nhận được thông báo khi mình trả lời comment của bạn.

Previous Post Next Post