Các quy định về ngày phép năm, ngày nghỉ hàng năm (Annual leave)

Ngày nghỉ hàng năm (Mình gọi tắt là Ngày phép năm) là một trong những chế độ cơ bản bắt buộc được Bộ luật Lao động 2019 quy định tại Điều 113. Cho nên, các bạn mới làm Nghề Nhân sự cũng cần nắm rõ các quy định về ngày phép năm, để tránh bỏ sót quyền lợi của Người lao động. Cùng tìm hiểu bạn nhé!

Chào mừng các bạn đang đến với series Hỏi đáp Nghề Nhân sự cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các quy định về ngày phép năm, ngày nghỉ hàng năm (Annual leave).

Điều kiện được hưởng phép năm?

Theo quy định tại Điều 113 của Bộ luật Lao động 2019: Người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được hưởng 12 ngày phép năm, áp dụng đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; Nếu làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc => Tức là trung bình 1 ngày/tháng.

Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 14 ngày/năm. Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là 16 ngày/năm.

Tuy nhiên, trong thực tế thì nhiều công ty đã chủ động tăng quyền lợi nghỉ phép năm cho người lao động nhiều hơn quy định của Luật lao động để tạo sự cạnh tranh và giữ chân nhân viên; Và điều này luôn được các nhà làm luật khuyến khích.

Cách tính phép năm?

Theo điều 114 Bộ luật Lao động 2019: Cứ đủ 05 năm làm việc thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Trong trường hợp người lao động đi làm không tròn tháng, thì nếu số ngày làm việc thực tế cộng với số ngày nghỉ có hưởng lương lớn hơn hoặc bằng 50% công chuẩn (tức là số ngày làm việc bình thường) của tháng đó thì vẫn được tính 1 ngày phép năm. Ngày nghỉ có hưởng lương bao gồm: Ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.

Mức lương tính phép năm?

Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ: Người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Điều này đồng nghĩa là mức lương + phụ cấp thoả thuận và có ký kết trên Hợp đồng lao động sẽ là căn cứ để tính lương những ngày nghỉ phép năm.

Có một số công ty chỉ ký với người lao động mức lương cơ bản trên hợp đồng lao động và không có bất kỳ phụ cấp nào, thì có thể chỉ được tính theo mức này. Và đa số công ty thường lấy mức đóng BHXH bắt buộc để làm cơ sở tính.

Quy trình xin nghỉ phép năm như thế nào? Ngày phép năm có bị hết hạn không?

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Một số công ty có lịch làm việc linh hoạt, có chế độ cho nhân viên làm việc từ xa (WFH) khi cần thì thường việc xin nghỉ phép năm rất dễ. Còn một số công ty do đặc thù sản xuất, tính chất ngành nghề thì sẽ có các quy định hướng dẫn về việc xin nghỉ phép, đặc biệt là nghỉ phép dài ngày để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời như đã nói ở trên, công ty sẽ quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Ví dụ về quy định nghỉ phép năm tham khảo mà các công ty hay áp dụng: Ngày phép của năm trước sẽ được bảo lưu đến hết tháng 3 của năm tiếp theo; Nếu người lao động không sử dụng sẽ bị hết hạn. Với trường hợp này, nếu Người lao động có nhu cầu gia hạn ngày phép năm thì vẫn có quyền được thoả thuận lại bằng văn bản với công ty về việc bảo lưu ngày phép này hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Thời gian thử việc, tập nghề, thời gian nghỉ thai sản có được tính phép năm hay không?

Theo Điều 65 Nghị định 145 thì: Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động bao gồm:

1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.

4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Vậy thì, thời gian học nghề, tập nghề, thử việc sẽ được tính phép năm nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian tập nghề, thử việc => Có thể hiểu là sau thời gian tập nghề, thử việc và hai bên tiếp tục ký HĐLĐ chính thức, thì công ty sẽ trả bù ngày phép trong thời gian học nghề, tập nghề, thử việc trước đó.

Với thời gian nghỉ chế độ thai sản, thì vẫn được xem là thời gian làm việc của người lao động nên vẫn được tính ngày nghỉ phép năm như bình thường.

Nghỉ việc mà còn dư ngày phép năm thì công ty có phải thanh toán bằng tiền không?

Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định: Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

=> Như vậy, khi nghỉ việc mà Người lao động vẫn còn ngày phép năm chưa sử dụng sẽ được công ty thanh toán bằng tiền theo mức lương + phụ cấp đã ký trên Hợp đồng lao động.

Công ty có quyền từ chối không cho Người lao động nghỉ phép năm hay không?

Ngày nghỉ hàng năm là quyền lợi cơ bản của Người lao động, nên công ty sẽ không có quyền từ chối. Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào quy định nghỉ phép mà công ty đã ban hành, kế hoạch kinh doanh để sắp xếp cho phù hợp. Nên người lao động cần báo trước nếu muốn có kỳ nghỉ dài, để không ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty.

Đồng thời, công ty cũng cần thông báo sớm cho người lao động về việc phê duyệt thời gian nghỉ phép hoặc thoả thuận lại một thời gian nghỉ phù hợp hơn. Việc nhiều công ty quá cứng nhắc hoặc không xem quyền lợi nghỉ phép của Người lao động là quan trọng thì sẽ khó tạo được môi trường làm việc công bằng và khó giữ chân người lao động lâu dài.

Trên đây là một số nội dung chính mà mình đã cùng nhau trao đổi về Các quy định về ngày phép năm, ngày nghỉ hàng năm (Annual leave). Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi hoặc câu hỏi vào comment bên dưới để mình ghi nhận và giải đáp cho các bạn nhé! Trân trọng!

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Hãy để lại lời nhắn tại đây cho Thành nhé! Nhớ đánh dấu tick ở mục "Notify me" để nhận được thông báo khi mình trả lời comment của bạn.

Previous Post Next Post