Luật lao động được xem là kiến thức nền cơ bản nhất cho những ai muốn theo đuổi công việc Nhân sự, hoặc các bạn đang học chuyên nghành có bộ môn này.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Hỏi đáp nhanh về Bộ luật Lao động 2019 - Phần 1
Trong thời gian vừa qua, Hrvn Academy nhận được khá nhiều lời đề nghị về việc ra mắt một series Hỏi nhanh - Đáp nhanh về Bộ luật Lao động 2019, cũng như những kiến thức liên quan đến việc áp dụng Luật lao động để các bạn có thể nắm được nhanh, dễ dàng và đầy đủ hơn. Nên Thành đã thực hiện tiếp Khóa học này nhằm bổ sung cho Khóa học C&B cơ bản cho người mới.
Bên cạnh các câu hỏi đã được mình tổng hợp, thì các bạn cũng có thể gửi thêm bất kỳ câu hỏi liên quan nào về Bộ luật Lao động vào mục Liên hệ bên dưới blog. Trong phạm vi kiến thức cho phép, mình sẽ cố gắng giải đáp cho các bạn trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi giúp mình để điều chỉnh kịp thời nhé! Mình rất vui và trân trọng!
#1. Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực vào thời gian nào?
Bộ luật Lao động 2019 được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 có nhiều nội dung mới liên quan đến quyền lợi của người lao động.
#2. Độ tuổi lao động là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2021 quy định độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động tại Việt Nam là 15 tuổi trừ một số trường hợp đặc biệt theo luật định.
#3. Người lao động có quyền làm những công việc nào?
Theo Điều 10 Bộ luật lao động năm 2019: Người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
#4. Có bao nhiêu hình thức ký Hợp đồng lao động?
Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 thì có 2 hình thức ký Hợp đồng lao động: Bằng lời nói và bằng văn bản.
Lưu ý: HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
#5. Trường hợp nào được ký Hợp đồng lao động bằng lời nói?
Điều 14 Bộ luật Lao động 2019; Từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động và người lao động chỉ được giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.
#6. Người lao động ký HĐLĐ với 2 công ty trở lên được hay không?
Điều 19 Bộ luật Lao động 2019; Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Lưu ý: Người lao động cần đảm bảo các quy định bảo mật thông tin, bí mật công nghệ…ở từng công ty sẽ có quy định khác nhau.
#7. Người lao động ký HĐLĐ với 2 công ty thì đóng Bảo hiểm bắt buộc thế nào?
Trường hợp ký hợp đồng lao động với nhiều Cty, thì chỉ phải đóng BHXH, BHTN theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên (theo khoản 4 Điều 85 Luật BHXH năm 2014). Đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất. Đồng thời Cty phải đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã ký.
#8. Có bao nhiêu loại Hợp đồng lao động?
Căn cứ quy định tại Điều 20 Bộ luật lao động 2019 thì từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong 02 loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.
#9. Hợp đồng xác định thời hạn được ký tối đa bao nhiêu tháng/lần?
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
#10. Khi HĐLĐ hết hạn mà công ty chưa kịp ký và NLĐ vẫn còn tiếp tục làm việc thì sao?
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết HĐLĐ mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn mà hai bên không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn
#11. Mỗi năm, công ty lại ký HĐLĐ 12 tháng với NLĐ thì có đúng không?
Công ty chỉ được ký tối đa 2 lần HĐLĐ có xác định thời hạn, sau đó phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Bạn có thể xem thêm bài này trên HRVN ACADEMY
#12. Nếu công ty ký HĐLĐ mỗi năm 12 tháng với Người lao động, sau này có tranh chấp xảy ra thì xử lý thế nào?
Sẽ căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu từ HĐLĐ xác định thứ 3 trở đi thì sẽ được xem là HĐLĐ không xác định thời hạn.
#13. Phụ lục HĐLĐ dùng để làm gì?
Điều 22 Bộ luật Lao động thì Phụ lục này được ký nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động như: điều chỉnh tiền lương, phụ cấp hoặc chế độ phúc lợi khác; thay đổi vị trí, chức danh công việc;... Và phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
#14. Phụ lục HĐLĐ có được điều chỉnh thời gian của HĐLĐ đã ký hay không?
Theo Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 thì Phụ lục HĐLĐ không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
#15. Được ký bao nhiêu lần Phụ lục HĐLĐ?
Theo Bộ luật Lao động 2019 thì Phụ lục HĐLĐ không bị giới hạn số lần ký.
(Còn tiếp)
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng