Luật lao động được xem là kiến thức nền cơ bản nhất cho những ai muốn theo đuổi công việc Nhân sự, hoặc các bạn đang học chuyên nghành có bộ môn này.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học Tìm hiểu về Bộ luật Lao động cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Hỏi đáp nhanh về Bộ luật Lao động 2019 - Phần 3
Bên cạnh các câu hỏi đã được mình tổng hợp, thì các bạn cũng có thể gửi thêm bất kỳ câu hỏi liên quan nào về Bộ luật Lao động vào mục Liên hệ bên dưới blog. Trong phạm vi kiến thức cho phép, mình sẽ cố gắng giải đáp cho các bạn trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù đã cố gắng kiểm tra kỹ nội dung cung cấp, tuy nhiên vẫn có thể có những sai sót nhỏ ngoài mong muốn, bạn có thể để lại phản hồi giúp mình để điều chỉnh kịp thời nhé! Mình rất vui và trân trọng!
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng
31. Nhân viên A đang ký HĐLĐ 12 tháng và nộp đơn xin nghỉ vì lý do bận việc cá nhân, báo trước 30 ngày theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày thứ 10 thì anh A xin rút đơn nghỉ việc vì đã giải quyết xong công việc cá nhân. Vậy công ty có quyền từ chối việc rút đơn của anh A không?
Theo Điều 38 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, thì mỗi bên đều có quyền hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước nhưng phải thông báo bằng văn bản và phải được bên kia đồng ý
=> Như vậy, nếu Công ty không muốn chấp nhận đề nghị rút đơn của người lao động thì vẫn được quyền từ chối.
32. Nếu người lao động nghỉ ngang hoặc không đảm bảo thời gian báo trước theo quy định thì có được hưởng trợ cấp thôi việc hay không?
Theo Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019 về Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Thì người lao động sẽ không được nhận Trợ cấp thôi việc trong trường hợp này. Tuy nhiên, người lao động vẫn được nhận Bảo hiểm thất nghiệp nếu đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
33. Nếu Người lao động đơn Phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải bồi thường gì cho công ty?
Theo Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019: Nếu người lao động đơn Phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ phải bồi thường cho Công ty:
- Nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động
- Và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Ví dụ: Người lao động đang ký HĐLĐ 12 tháng, không nộp đơn xin nghỉ việc và nghỉ ngang; Thì sẽ phải bồi thường cho Công ty nữa tháng tiền lương + số tiền tương đương 30 ngày báo trước theo mức lương ký trên Hợp đồng lao động.
34. Nghĩa vụ của Công ty khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động là gì?
Nếu có kết luận Công ty sa thải, chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động trái pháp luật, thì theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019: Công ty phải nhận lại người lao động, trả tiền lương + đóng các khoản Bảo hiểm trong thời gian NLĐ không được đi làm + ít nhất 2 tháng lương theo HĐLĐ. Còn nếu NLĐ không muốn quay lại thì phải trả thêm Trợ cấp thôi việc (nếu có)
35. Trường hợp nào Công ty phải trả Trợ cấp thôi việc?
Theo Điều 46 Bộ luật lao động năm 2019: Công ty phải trả Trợ cấp thôi việc cho những người lao động đủ điều kiện hưởng khi nghỉ việc.
- Đã làm việc tối thiểu 12 tháng trở lên và nghỉ việc đúng quy định
- Thời gian tính Trợ cấp thôi việc = Thời gian làm việc – Thời gian đóng BHTN
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo HĐLĐ đã ký
- ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC: Tổng tg làm việc – Tổng thời gian đóng BHTN > 0 mới được chi trả khoản này (Xem chi tiết ở bài học: Cách tính Trợ cấp thôi việc)
36. Trường hợp nào người lao động được nhận trợ cấp mất việc làm?
Theo Điều 43 Bộ luật Lao động 2019 thì Công ty có nghĩa vụ chi trả Trợ cấp mất việc làm cho người lao động nếu:
- Công ty thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế => Người lao động không được bố trí công việc mới phù hợp và phải nghỉ việc.
- Người lao động có thâm niên từ 12 tháng trở lên
- ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC: Tổng tg làm việc – Tổng thời gian đóng BHTN > 0 mới được chi trả khoản này
37. Mức chi trả Trợ cấp mất việc làm cho người lao động đủ điều kiện là bao nhiêu?
Theo Điều 47 Bộ luật lao động năm 2019: Cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm = Tổng thời gian làm việc – Thời gian đã đóng BHTN (Nên nếu Công ty đã đóng đủ BHTN trong suốt thời gian làm việc thì không chi trả Trợ cấp mất việc làm)
Mức căn cứ chi trả là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề
38. Có trường hợp nào Công ty phải chi trả cả Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm không?
Mình đính chính câu trả lời này là xảy ra trường hợp nào sẽ giải quyết đúng trường hợp đó. Cho nên, NLĐ sẽ được nhận 1 trong 2 loại trợ cấp này.
- Trợ cấp mất việc làm
- Hoặc Trợ cấp thôi việc
- Với điều kiện bắt buộc: Tổng thời gian làm việc - Tổng thời gian đóng BHTN > 0
39. Công ty có tổ chức đào tạo nghề đầu vào khi nhận người lao động thì ký Hợp đồng gì? Thời hạn bao lâu?
Theo Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019 hướng dẫn về Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì Công ty có thể ký Hợp đồng tập nghề. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
40. Sau khi hết thời gian tập nghề, Công ty ký tiếp Hợp đồng thử việc 2 tháng với Người lao động được hay không?
Cũng Theo Điều 61 Bộ luật lao động năm 2019 hướng dẫn về Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
=> Nên Công ty ký Hợp đồng thử việc 2 tháng với người lao động là chưa đúng quy định, mà phải ký Hợp đồng lao động phù hợp.
(Còn tiếp)