Tìm hiểu về Thuế Thu nhập cá nhân

Trong bài này, mình cùng nhau tìm hiểu các kiến thức cơ bản nhất về Thuế Thu nhập cá nhân trên tiền lương, tiền công của người lao động.

Tìm hiểu về Thuế Thu nhập cá nhân

Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Tìm hiểu về Thuế Thu nhập cá nhân.

Trong bài học dành cho các newbie ngày hôm nay, mình sẽ cùng nhau tìm hiểu các kiến thức cơ bản nhất về Thuế Thu nhập cá nhân (Thuế TNCN) để các bạn đang tìm hiểu công việc C&B dễ hiểu và nắm được.  Và chủ yếu tập trung xoay quanh phần Thuế TNCN từ lương, nên các phần khác các bạn tham khảo thêm từ các nguồn khác nhé!

{tocify} $title={Xem Menu bài viết}

Các văn bản Luật mới nhất về Thuế TNCN

Luật số 04/2007/QH12: Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Luật này quy định về đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, giảm thuế và căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Luật số 26/2012/QH13: Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế TNCN 04/2007/QH12 bao gồm: Khoản 2 và khoản 5 Điều 3, Khoản 10 Điều 4, Điểm c khoản 1 Điều 7, Khoản 1 Điều 19, Khoản 1 Điều 21, Điều 24.

Luật số 71/2014/QH13: Có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2014. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 đã được bổ sung tại Luật 32/2012/QH13. Đây là Luật Thuế TNCN mới nhất để bạn đọc và áp dụng.

Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC: Thông tư này được hợp nhất từ 04 Thông tư sau: 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013; 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014; 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015.

Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BTC: Văn bản này được hợp nhất từ 03 NĐ sau: 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013; 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014; 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015.

Công văn số 281/TCT-TNCN: Ban hành ngày 23/01/2017 hướng dẫn chính sách thuế thu nhập cá nhân từ tiền thưởng khuyến khích hiệu quả.

Thuế Thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế được thu trên thu nhập thực nhận của các cá nhân tại thời điểm phát sinh, hoặc thu theo tháng, theo năm tùy từng trường hợp. Thuế TNCN chỉ được thu khi thu nhập của cá nhân đó đạt ngưỡng chịu thuế TNCN theo quy định sau khi đã giảm trừ gia cảnh và các khoản miễn thuế khác.

Và trong bài học Tìm hiểu về Thuế Thu nhập cá nhân này, mình chỉ tìm hiểu về thuế TNCN từ tiền lương, tiền công bạn nhé! Các trường hợp phát sinh thuế TNCN khác như là: thừa kế tài sản, trúng số, trúng thưởng... bạn có thể tìm hiểu thêm trên internet.

Đối tượng đóng thuế TNCN

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, và luật sửa đổi bổ sung số 26/2012/QH13, đối tượng nộp thuế TNCN là các cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng các điều kiện sau:

- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn;

- Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN

Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 19, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 và Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ban hành ngày 2/6/2020 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân như sau:

Bản thân người nộp thuế: Tăng từ mức 09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) lên mức 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

Người phụ thuộc: Tăng từ mức 3,6 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng/tháng, tăng 800.000 đồng.

Như vậy, khi người lao động không được giảm trừ gia cảnh thì mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân ở thời điểm hiện là 11 triệu đồng/tháng. Với mỗi người phụ thuộc người lao động được giảm thêm 4,4 triệu đồng/tháng vào thu nhập chịu thuế.

Các khoản thu nhập từ lương phải chịu thuế TNCN

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, trợ cấp được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Và tất nhiên, như trên mình có nhắc đến thì người lao động chỉ bị tính thuế TNCN khi chịu đến ngưỡng đóng thuế là từ 11 triệu/tháng trở lên sau khi đã trừ hết các khoản thu nhập không bị tính thuế. Mức 11 triệu đang tính ở thời điểm 2021, và mức này sẽ có thay đổi tùy thực tế từng thời kỳ.

Các khoản thu nhập từ lương không chịu thuế TNCN

1/ Các khoản Bảo hiểm bắt buộc khi đi làm bao gồm: Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm thất nghiệp.

2/ Giảm trừ gia cảnh theo quy định

3/ Các khoản phụ cấp không tính vào thu nhập đóng thuế TNCN (được quy định tại điểm b khoản 2), bao gồm:

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;

- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về BHXH;

- Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm;

- Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định.

Mức đóng thuế TNCN là bao nhiêu

Trước khi đi chi tiết vào từng đối tượng chịu thuế, thì các bạn cần chắc chắn đã nắm rõ về ngưỡng tính thuế TNCN. Tức là những ai có tổng thu nhập thực nhận từ 11 triệu trở lên (Thời điểm 2021), thì phần thu nhập vượt trên mức này mới bị tính thuế TNCN các bạn nhé!

Mức thuế TNCN của người lao động là cá nhân không cư trú tại Việt Nam

Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20%

Mức thuế TNCN của người lao động ký HĐLĐ dưới 3 tháng: Nếu mức lương thực nhận từ 2 triệu đồng/tháng, thuế thu nhập cá nhân sẽ tính theo thuế suất toàn phần. Tức là sẽ tạm khấu trừ 10% trên tổng thu nhập thực nhận

Thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 10%

Vậy thì ở đây sẽ xảy ra 2 trường hợp:

- Với Hợp đồng thử việc 2 tháng: Sẽ tạm thu 10% thuế TNCN trên tổng thu nhập thực nhận. Nếu sau đó người lao động tiếp tục ký hợp đồng lao động dài hạn, thì khi công ty quyết toán thuế, thời gian thử việc cũng được khấu trừ thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần chứ không phải 10% như đã tạm thu.

- Với Hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán: Tức là người lao động làm thời vụ có thu nhập từ 2 triệu VNĐ trở lên, thì mức thu thuế TNCN giữ nguyên 10% trên tổng thu nhập. Tuy nhiên, nếu người lao động làm mẫu 02/CK-TNCN (Update T7/2022: Mẫu 08/CK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC), cam kết chỉ có thu nhập duy nhất tại công ty mà tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì công ty tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người đó.

Mức thuế TNCN của người lao động ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên

Với trường hợp này, thuế TNCN sẽ được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần như sau:

(còn tiếp phần 2)

Trên đây là một số nội dung và kiến thức cơ bản nhất về Thuế TNCN trên tiền lương, tiền công của người lao động dành cho newbie. Hãy dành thêm thời gian đọc kỹ Luật Thuế TNCN bạn nhé, để có kiến thức nền vững vàng hơn.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay đóng góp nào, vui lòng để lại comment bên dưới. Mình sẽ trả lời cho các bạn trong thời gian sớm nhất.

Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Hãy để lại lời nhắn tại đây cho Thành nhé! Nhớ đánh dấu tick ở mục "Notify me" để nhận được thông báo khi mình trả lời comment của bạn.

Previous Post Next Post