Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các khái niệm cần nắm về tiền lương.
Trước khi đi vào chi tiết các nội dung về xây dưng, tính và chi trả lương thưởng cho Người lao động, mình cũng nhau tìm hiểu các kiến thức và khái niệm cơ bản nhất về Tiền lương được quy định tại Điều 90 đến Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 như sau:
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Tiền lương và mức lương tối thiểu
Tiền lương: là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Mức lương tối thiểu vùng: là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu vùng có thể sẽ được điều chỉnh hoặc không điều chỉnh hàng năm tùy vào thực tế tỷ lệ lạm phát hàng năm, mức độ phát triển của nền kinh tế. Mức lương tối thiểu vùng đang có hiệu lực từ năm 2020 như sau:
Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm: Người có các chứng chỉ nghề, hoặc bằng cấp từ Trung cấp trở lên, hoặc người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề. Chi tiết bạn có thể ở Nghị định mình đã trích dẫn nhé!
Mức lương thử việc: Trong thời gian thử việc, người lao động sẽ nhận được tiền lương theo thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% tiền lương của công việc đó.
Thang bảng lương
Là một người mới đến với công việc C&B, thì đầu tiên bạn cần kiểm tra xem công ty đã có Thang bảng lương hay chưa? Nếu có thì nên đọc và tìm hiểu kỹ, hỏi các anh/chị làm trước đó để có thể hiểu chính xác. Nó là bước quan trọng trước khi bạn thực hiện tính lương.
Theo quy định thì người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Trước đây, theo Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động phải đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động đồng thời với việc công khai tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, từ 2021 thì Công ty không phải đăng ký thang bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện. Tuy nhiên, phải đảm báo có xây dựng thang bảng lương dựa trên việc tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Công tác chi trả lương
Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có). Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng và phí chuyển khoản do công ty chi trả.
1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Lương làm thêm giờ, ngày lễ tết
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Khấu trừ lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là một vài khái niệm cơ bản cần nắm về tiền lương. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng để lại comment bên dưới, mình sẽ trả lời cho các bạn trong thời gian sớm nhất.
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng