Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các lỗi thường gặp khi ký Hợp đồng lao động
Như trong bài học Các lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng lao động mình đã cùng nhau tìm hiểu qua về định nghĩa Hợp đồng lao động là gì? Các loại Hợp đồng lao động; Các căn cứ pháp lý để soạn thảo Hợp đồng lao động; Các nội dung bắt buộc phải có trong Hợp đồng lao động...Trong bài học này, mình sẽ bổ sung thêm các các lỗi mà chúng ta thường hay gặp khi ký Hợp đồng với người lao động.
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Các hành vi không được làm khi giao kết và thực hiện Hợp đồng lao động
Theo điều 17 của Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, thực tế tại một số công ty vẫn đang tự thỏa thuận mới người lao động để thực hiện điều này. Lý do thì muôn hình vạn trạng, có công ty thu ký quỹ bằng tiền vì công việc người lao động thực hiện có liên quan đến tiền như thu ngân, nhân viên giao hàng, nhân viên thu hồi nơ trực tiếp...Có công ty thì lại giữ bản chính bằng cấp của nhân viên để tạo sự ràng buộc nào đó.
Các bạn nên lưu ý, dù sự thỏa thuận đó được người lao động đồng ý nhưng nó trái quy định của Bộ luật lao động 2019 thì vẫn không có giá trị pháp lý bạn nhé! Nên nếu bạn là những newbie (người mới) khi vào làm ở những công ty có thu tiền ký quỹ hoặc tạm giữ bằng cấp của người lao động thì nên có cảnh báo với quản lý của mình cần cân nhắc lại để có thể điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Các lưu ý về Thời gian thử việc
Thời gian thử việc theo quy định của Bộ luật Lao động thì chắc không quá xa lạ đối với người làm Nghề Nhân sự. Tuy nhiên, có những bạn mới không nắm được mà chỉ biết làm theo quy định của công ty. Một số chủ doanh nghiệp họ nghĩ đơn giản rằng, mình là chủ doanh nghiệp nên chỉ cần thỏa thuận với người lao động thì muốn thử việc bao lâu là do mình quy định. Điều này hoàn toàn sai.
Nếu bạn vẫn còn hơi mơ hồ về vấn đề này thì hãy đọc lại quy định của điều 25 và điều 26 Bộ luật Lao động 2019 mà mình trích dẫn bên dưới bạn nhé!
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Đồng thời lưu ý mức Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Có được gia hạn Hợp đồng thử việc không?
Nhiều công ty có kiểu là thấy bạn này cũng phù hợp nhưng cần thêm thời gian đánh giá xem sao. Nên khi kết thúc Hợp đồng thử việc thì lại gia hạn thêm thời gian thử việc. Điều này là hoàn toán trái với quy định tại điều 27 của Bộ luật Lao động 2019.
Tức là khi kết thúc thời gian thử việc, bạn chỉ có 2 lựa chọn là Ký tiếp Hợp đồng lao động hoặc là kết thúc hợp đồng với người lao động. Điều này nhằm giảm thiểu tối đa việc công ty cố tình kéo dài thời gian thử việc gây mất quyền lợi của Người lao động.
Và đặc biệt, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Cho nên, việc một số công ty phạt hoặc không trả lương cho Người lao động khi nghỉ trong thời gian thử việc là sai quy định.
Và lưu ý là tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Có được ký Hợp đồng lao động với Người lao động đang đi làm ở công ty khác không?
Theo điều 19 của Bộ luật Lao động 2019, Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.
Hợp đồng lao động bị vô hiệu
Như mình có nói ở trên, nhiều công ty tự đưa ra các quy định trong Hợp đồng lao động dựa trên sự thỏa thuân với Người lao động mà không đúng quy định của Bộ luật Lao động. Điều này dẫn đến các nội dung thỏa thuận trái luật đó bị vô hiệu và không có gía trị pháp lý. Điều này được quy tại tại điều 49 của Bộ luật Lao động 2019.
Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;
c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.
Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
Trên đây là tổng hợp một số lỗi cơ bản mà những người mới làm công việc C&B thường hay gặp phải. Khi bạn đã nắm chắc những nội dung này thì có thể tìm nhiều nhiều hơn các quy định khác về quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động; Các khoản trợ cấp thôi việc...để bổ sung kiến thức.
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng