Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng lao động
Như đã nhắc đến trong bài học Các nội dung cần nắm của Bộ luật Lao động, chúng ta đã có tìm hiểu qua các quy định và hướng dẫn về Hợp đồng lao động. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về Các lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng lao động. Đây cũng là một phần quan trọng trong công việc C&B mà một newbie (người mới) cần nắm.
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Căn cứ pháp lý để soạn thảo Hợp đồng lao động
- Nghị định 145/2020/NĐ - CP hướng vẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực từ 01/02/2021.
Chúng ta sẽ tìm hiểu các nội dung chính của Hợp đồng lao động theo Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Khi nào có các nghị định hướng dẫn bổ sung mới thì HRVN Academy sẽ bổ sung cho các bạn để nắm đầy đủ và chính xác hơn.
Hợp đồng lao động là gì?
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Được quy định tại điều 13 đến điều 51, hướng dẫn về các nội dung cần phải có thể hiện trong hợp đồng lao động, các loại hợp đồng được phép ký theo từng đối tượng, thời gian thử việc, mức lương trong quá trình thử việc...
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Điều này mới được bổ sung ở Bộ luật lao động 2019 giúp tăng tính nhận diện đâu là quan hệ lao động và phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
Có nghĩa là có thể công ty đang ký với Người lao động hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán..., các điều khoản của các hợp đồng này được đưa ra dựa trên căn cứ của Luật Dân sự. Tuy nhiên, nếu có phát sinh tranh chấp giữa hai bên, khi xem xét lại bản chất mối quan hệ đang có phát sinh việc trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì mặc nhiên nó được xem là quan hệ lao động và căn cứ theo Bộ luật Lao động để xử lý.
Cho nên, khi công ty bạn đang làm việc có sử dụng hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán này thì bạn nên tìm thêm sự tư vấn bộ phận Pháp lý của công ty. Và phải thật thận trọng khi sử dụng để không phát sinh các khiếu nại về sau. Vì nhiều bạn làm C&B có suy nghĩ rất đơn giản là người lao động đã ký thì cứ dựa vào thỏa thuận đó mà làm, đây là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Các loại Hợp đồng lao động
Theo điều 20 của Bộ luật Lao động 2019 thì chỉ còn 2 loại Hợp đồng lao động là Hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Bổ sung hình thức Hợp đồng lao động điện tử: Theo điều 14 của Bộ luật Lao động 2019, thay vì trước đây chỉ có hình thức ký hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc lời nói. Thì việc bổ sung hình thức ký Hợp đồng lao động điện tử được coi là một bước tiến khi ứng dụng công nghệ theo đúng xu hướng. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế thì còn phải chờ hướng dẫn chi tiết của Nghị định, thông tư.
Phụ lục Hợp đồng lao động không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động: Theo điều 22 của Bộ luật Lao động 2019, Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động. Điều này có nghĩa là Công ty không thể dùng phụ lục để thay đổi thời hạn kết thúc của Hợp đồng lao động nữa.
Các nội dung bắt buộc phải có trong Hợp đồng lao động
Khi chúng ta là những newbie (người mới) đi làm tại doanh nghiệp, chúng ta thường chỉ biết áp dụng rập khuôn theo biểu mẫu về Hợp đồng lao động mà công ty có sẵn, chứ không hiểu bản chất là tại sao hợp đồng lại thể hiện những nội dung đó, có thể bỏ bớt đi hay không. Điều này được quy định rất chi tiết tại điều 21 của Bộ luật Lao động 2019.
Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trong Hợp đồng lao động như sau:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động. Các thông tin bắt buộc này để hạn chế một số công ty lập ra để lừa đảo người lao động, hoặc bỏ trốn sau thời gian kêu gọi vốn...và Người lao động không biết tìm ai để đòi quyền lợi.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động. Đây cũng là căn cứ pháp lý mà bạn có thể yêu cầu nhân viên phải nộp hồ sơ xin việc đầy đủ. Đồng thời những thông tin này là cơ sở để quản lý người lao động khi có những sự cố phát sinh như: trôm cắp, ốm đau, có vi phạm nghiêm trọng cố ý khác từ người lao động...
- Công việc và địa điểm làm việc: Ở phần này thì theo mình nên ghi chính xác và rõ ràng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, ở phần địa điểm làm việc thì bạn có thể linh động thêm phần "...và các địa điểm khác theo yêu cầu công ty" để hạn chế việc bị cứng nhắc về sau.
- Thời hạn của hợp đồng lao động: Bạn có thể ghi theo lộ trình ký Hợp đồng lao động của Công ty và đảm bảo không trái quy định của Bộ luật Lao động. Ví dụ mới vào thì thử việc 2 tháng, sau đó đến ký hợp động xác định thời hạn 12 tháng...
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Phần này mà công ty bạn có một quy chế lương rõ ràng thì rất dễ để ghi vào hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu công ty bạn chưa có một chính sách rõ ràng thì bạn nhớ lưu ý mức lương và phụ cấp mà bạn thể hiện trong hợp đồng lao động cũng là căn cứ để đóng BHXH, trừ các phụ cấp quy định không thuộc diện đóng BHXH theo quy định.
- Chế độ nâng bậc, nâng lương: Phần này bạn có thể ghi đơn giản là theo quy chế lương thưởng của công ty. Hoặc nếu quy định công ty rất rõ ràng thì bạn có thể ghi cụ thể vào đây và lưu ý phải đảm bảo thực hiện đúng bạn nhé!
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Theo quy định của công ty và không trái với luật lao động. Thông thường các công ty chỉ thể hiện là 48h/tuần chẳng hạn.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: Phần này thường sẽ nêu rõ ràng hơn đối với các vị trí công nhân sản xuất hoặc các công việc nguy hiểm. Còn lại, bạn có thể ghi đơn giản là công ty sẽ trang bị bảo hộ để đảm bảo an toàn lao động theo yêu cầu công việc.
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: Bạn có thể ghi rõ mức trích đóng của doanh nghiệp và người lao động. Hoặc đơn giản chỉ cần ghi trích đóng theo quy định hiện hành để không phải thay đổi Hợp đồng khi tỷ lệ đóng thay đổi. Bởi vì phần mức lương mà bạn ghi ở trên là mức căn cứ đóng BHXH rồi, nên không cần diễn giải lại.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: Phần này cũng tương tự các phần trên. Nếu công ty bạn có quy định rõ ràng và việc phải đào tạo bắt buộc thì có thể ghi vào, nếu không thì chỉ cần ghi theo chính sách đào tạo và phát triển của công ty.
Và một số nội dung thỏa thuận khác theo quy định khác của công ty, tuy nhiên không được trái với nội dung của Bộ luật Lao động.
Trên đây là các nội dung cơ bản về việc soạn thảo và thực hiện một Hợp đồng lao động. Mình sẽ cùng tìm hiểu một vài tình huống khác về Hợp đồng lao động trong bài học tiếp theo. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng để lại comment bên dưới để được hỗ trợ giải đáp bạn nhé!
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng