Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học C&B cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các nội dung cần nắm trong Bộ luật Lao động 2012.
Trong nội dung bài học Cách đọc và hiểu Bộ luật Lao động, Thành và các bạn đã cùng nhau tìm hiểu về các bước chính cần lưu ý để dễ dàng đọc và nắm được Bộ luật Lao động nhanh chóng và chính xác. Và bài học Các nội dung chính của Bộ luật Lao động sẽ đi chi tiết hơn các nội dung quan trọng mà một bạn làm Nghề Nhân sự không thể bỏ qua.
Bộ luật Lao động 2012 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn cần nắm và hiểu trước khi chuyển sang Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Bởi vì những nội dung cốt lõi vẫn không thay đổi, và khi chuyển sang bài học tiếp theo để tìm hiểu Bộ luật Lao động mới thì chúng ta chỉ nhắc đến những nội dung thay đổi mà thôi.
Bộ luật lao động năm 2012 bao gồm 17 Chương, 242 Điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Đây cũng là nội dung chính của điều 1 nói về Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động.
Chúng ta sẽ cùng điểm qua các nội dung chính cần phải đọc và hiểu, mình sẽ có giải thích sơ bộ để bạn dễ đọc và nắm nhanh hơn. Chứ mình không trích dẫn toàn bộ nội dung Bộ Luật lao động ở đây, nên sẽ có một số mục sẽ bỏ qua. Bạn vui lòng tải về Bộ luật Lao động đầy đủ để đọc và sử dụng sau này nhé!
{tocify} $title={Xem Menu bài viết}
Thế nào là Người lao động?
Được quy định tại điều 3, phần giải thích từ ngữ. Bạn nên đọc qua phần này nhé. Người lao động được định nghĩa là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Điều này đồng nghĩa là dưới 15 tuổi thì chưa phải là Người lao động và chưa đủ khả năng lao động và ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nếu bạn ký Hợp đồng lao động với người từ 15 đến dưới 18 tuổi thì phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Bạn có thể xem thêm hướng dẫn ở điều 18. Và lưu ý có một số công việc không được tuyển người từ 15 đến dưới 18 tuổi, xem tại điều 165.
Quyền và nghĩa vụ của Người lao động và Người sử dụng lao động
Bạn xem tại điều 5 và điều 6 để nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Là một người làm Nhân sự thì bạn cần biết điều này để đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Luật lao động, không lạm quyền và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ để đảm bảo có lợi cho cả hai bên.
Tiếp tục xem qua điều 8 để tránh vi phạm hành vi bị nghiêm cấm như: Phân biệt giới tính, dân tộc, màu da, tôn giáo...Có một số công ty tuyển công nhân họ ghi trong thông tin tuyển dụng là không tuyển người miền Trung, cụ thể là người thuộc một tỉnh nào đó chẳng hạn. Thì điều này là sai Luật rồi bạn nhé!
Hợp đồng lao động
Được quy định tại điều 15 đến điều 36, hướng dẫn về các nội dung cần phải có thể hiện trong hợp đồng lao động, các loại hợp đồng được phép ký theo từng đối tượng. Thời gian thử việc, mức lương trong quá trình thử việc...Mình sẽ đi chi tiết hơn vào nội dung bài học chuyên sâu về Hợp đồng lao động. Nhưng bạn vẫn nên đọc trước để nắm thông tin nhé!
Mình đã từng gặp trường hợp bạn C&B bất cẩn ghi nhầm mức lương trên Hợp đồng lao động, dù người lao động đã được trao đổi trực tiếp về mức lương và biết có sự nhầm lẫn nhưng họ vẫn im lặng không phản hồi. Sau đó đến kỳ nhận lương họ đi khiếu nại và bạn này phải đền tiền chênh lệch. Nên mọi người nên cẩn thận về các nội dung trong hợp đồng lao động để không bị sự cố đáng tiếc như trên.
Quyền và trách nhiệm khi đơn phương chấm dựt Hợp đồng lao động
Được quy định tại điều 37 đến điều 47, hướng dẫn rõ các quy định về việc người lao động và người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thế nào là đúng luật. Các quyền và nghĩa vụ kèm theo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Đây là một phần rất quan trọng mà bạn cần nắm kỹ vì phải thực hiện hàng ngày, và đòi hỏi bạn không được hiểu sai, làm sai. Nên dành nhiều thời gian hơn cho mục này bạn nhé! Mình sẽ có một bài hướng dẫn riêng về việc này cho các bạn.
Tiếp theo ở điều 48 và điều 49 là hướng dẫn về việc chi trả trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm. Hai khoản trợ cấp này khác nhau thế nào và chi trả ra sao? Mình cũng sẽ có một bài học riêng cho phần này để có thể đi vào chi tiết hơn.
Khi nào Hợp đồng lao động bị vô hiệu?
Điều này được quy định tại điều 50, điều 51, điều 52. Trong trường hợp công ty có một quy định nào đó ghi trong hợp đồng lao động trái quy định của Bộ luật Lao động thì nó sẽ bị vô hiệu môt phần hoặc toàn phần tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Thành cho một ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung. Công ty thỏa thuận với người lao động đang ký hợp đồng 12 tháng là nếu nghỉ việc thì phải báo trước 60 ngày và được người lao động đồng ý. Sau đó bạn ghi nội dung này vào hợp đồng lao động và người lao động vẫn ký mà không khiếu nại gì.
Tuy nhiên, nếu có tranh chấp xảy ra, thì việc phải báo trước 60 ngày sẽ bị vô hiệu vì trái với quy định của Luật lao động là chỉ báo trước 30 ngày đối với hợp đồng 12 tháng. Nên dù trên hợp đồng ghi 60 ngày, nhưng thực tế người lao động chỉ cần báo trước 30 ngày thì bạn vẫn không có quyền phạt họ.
Có nhiều bạn làm Nhân sự nhầm lẫn rằng người lao động đồng ý thì không sao, cứ căn cứ vào thỏa thuận hai bên mà áp dụng, có giấy trắng mực đen. Đó là một suy nghĩ sai bạn nhé! Nên hãy đọc kỹ ba điều mà mình đã nêu ra để không bị nhầm lẫn và thực hiện sai quy định.
Hãy ủng hộ tác giả bằng cách đăng ký kênh Youtube và Fanpage FB với từ khóa HRVN ACADEMY. Trân trọng