Các kênh nguồn tuyển dụng

Tùy từng vị trí tuyển dụng mà chúng ta sẽ lựa chọn các kênh nguồn khai thác khác nhau. Bài học này sẽ giới thiệu đến các kênh nguồn chung mà bạn có thể tham khảo để sử dụng.

Các kênh nguồn tuyển dụng


Chào mừng các bạn đang đến với series các bài học trong Khoá học Tuyển dụng cơ bản cho người mới (newbie) hoàn toàn miễn phí. Tôi là Thành HR sẽ đồng hành cùng bạn trong khoá học này. Và chủ đề mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu ngày hôm nay là Các kênh nguồn tuyển dụng.

Khi nhận được JD (Job Description) - Bản Mô tả công việc mới, thì điều đầu tiên là nguồn đâu. Bởi vì không có nguồn ví như bạn trồng cây mà không có hạt giống vậy, bạn sẽ không có ứng viên để phỏng vấn. Và nếu nguồn ứng viên quá ít thì bạn chẳng thể có nhiều sự lựa chọn, so sánh.

Tùy từng vị trí mà chúng ta sẽ lựa chọn các kênh nguồn khai thác khác nhau. Bài học này chỉ giới thiệu các kênh nguồn chung, việc đi vào chi tiết các vị trí đặc thù sẽ có những bài học tiếp theo. Mình cùng bắt đầu nội dung chính bài học Các kênh nguồn tuyển dụng nhé!

Kênh nguồn nội bộ

Đây là một kênh nguồn không bao giờ lỗi thời và khá hiệu quả. Tùy theo từng thời điểm mà bạn có thể chi trả một mức phí phù hợp cho kênh nguồn này. Nếu số lượng bạn tuyển ít và khá hấp dẫn thì không cần trả phí. 

Nhưng nếu bạn phải tuyển số lượng nhiều hoặc tuyển các vị trí khó thì có thể chấp nhận chi trả một khoản thưởng cho nhân viên giới thiệu ứng viên để tăng tính hiệu quả. Có hai trường hợp tuyển qua kênh nguồn nội bộ như sau:

Tuyển một vị trí cao hơn từ đội ngũ nhân viên hiện có: Khi cần tuyển vị trí quản lý, thường sẽ có ưu tiên cho nhân viên nội bộ có năng lực và có thâm niên gắn bó. Vì hơn ai hết họ rất am hiểu văn hóa công ty, đồng thời việc này tạo động lực cho nhân viên luôn cố gắng trong công việc khi họ biết công ty họ đang làm có lộ trình thăng tiến khá rõ ràng.

Nhân viên nội bộ giới thiệu bạn bè, người thân vào làm việc: Với nguồn giới thiệu này, thì các nhân viên được giới thiệu thường gắn bó lâu hơn các kênh khác. Vì đơn giản họ đã được chia sẻ khá chi tiết từ nhân viên đang làm việc về môi trường, văn hóa làm việc, những khó khăn và áp lực mà họ sẽ đối diện...

Kênh nguồn network cá nhân

Người làm tuyển dụng có thể tận dụng network của mình có từ công ty cũ, các mối quan hệ với các đồng môn tuyển dụng ở công ty khác. Hoặc các sự kiện nhân sự mà mình đã từng tham gia trước đây.

Hãy nhớ khi làm nghề tuyển dụng thì bạn phải luôn có một danh sách ứng viên tiềm năng cho tất cả các job mà bạn đã từng tuyển dụng. Duy trì network cá nhân với họ nếu có thể như qua facebook, zalo, linkedIn…Khi bạn share tin lên các trang cá nhân của bạn có thể sẽ kết nối lại được với các đối tượng này.

Kênh nguồn website

Website miễn phí: Đừng bỏ qua kênh này, đặc biệt là các web mới xây dựng thì họ rất cần những nhà tuyển dụng đăng tin. Vừa không mất phí, vừa được hỗ trợ rất nhiệt tình. Có thể số lượng ứng viên thu được không nhiều, nhưng vì nó miễn phí nên phải tận dụng. Có một lưu ý là do lượng website tuyển dụng bây giờ quá nhiều, nên hãy bỏ qua các web mà bạn thấy không chuyên nghiệp hoặc không có lượng view để đỡ mất thời gian.

Website trả phí: Hãy cân nhắc kỹ việc sử dụng website nào, vì mỗi công việc sẽ phù hợp với một website tuyển dụng khác nhau. Ví dụ bạn tuyển các công việc mức lương trung bình, số lượng nhiều như telesales, chăm sóc khách hàng, bán hàng, việc partime cho sinh viên...thì có thể dùng web timviecnhanh.com, vieclam24h.vn. Vị trí cao hơn thì có web careerbuilder, vietnamworks... Hoặc tuyển IT thì có web ITviec.com…

Kênh nguồn social network

Social network đang là kênh chiếm ưu thế gần 50% trong gian đoạn từ 2018 đến nay. Các Fanpage, group facebook, zalo đang thu hút được rất nhiều ứng viên các vị trí công việc giản đơn, thời vụ và không yêu cầu trình độ cao và không yêu cầu nhiều kinh nghiệm. Hãy lưu ý tips cách đăng tin có hiệu quả lên các mạng xã hội.

Còn vị trí cao cấp hơn, yêu cầu ngoại ngữ hoặc chuyên gia nước ngoài thì bạn thể tận dụng Linkedin - Mạng xã hội chuyên về việc làm nổi tiếng toàn cầu. Trên này, các ứng viên public thông tin về các kinh nghiệm làm việc khá đầy đủ. Việc còn lại là bạn phải có kỹ năng tiếp cận và liên hệ được với họ.

Kênh nguồn trường, trung tâm giới thiệu việc làm

Đây là kênh truyền thống và có vẻ đang trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, nó vẫn đang còn hiệu quả nhất định, dù không quá cao. Một số công ty thích tìm kiếm các tài năng sắp ra trường ở đây để tài trợ học bổng cho sinh viên năm cuối, để khi ra trường là họ mời về làm luôn.

Ở một góc độ khác, kênh nguồn trường giúp bạn xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho công ty về lâu dài. Nên mỗi năm, bạn có thể cân nhắc tham gia các hội chợ việc làm do các trường tổ chức một vài lần, hoặc tài trợ các chương trình hướng nghiệp cho sinh viên.

Kênh nguồn qua các công ty dịch vụ headhunt

Sử dụng dịch vụ headhunt thường có phí khá cao, thường được xem là phương án 2 khi nội bộ không thể đáp ứng đủ. Và đây cũng là kênh nguồn rất đáng để dùng khi cần thiết để đảm bảo kế hoạch kinh doanh; Và sẽ tùy vào ngân sách tuyển dụng bạn được phân bổ. Hãy cứ lên danh sách các nhà cung cấp dịch vụ để dùng khi cần mà không bị động bạn nhé!

Trên đây là vài chia sẻ, có thể chưa đầy đủ nhưng ít nhất mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan hơn khi xây dựng kênh nguồn tuyển dụng. Hãy cho mình biết thêm các ý kiến bổ sung hoặc thắc mắc của bạn để hoàn thiện hơn nhé!

Phần thực hành

Để có cái nhìn chính xác hơn về các kênh nguồn tuyển dụng, bạn hãy thực hành bằng cách truy cập vào các kênh nguồn mà mình đã liệt kê ra ở bài học trên. Mỗi kênh nguôn hãy xem các vị trí đang được đăng trên đó và tạo một tài khoản dùng thử bạn nhé!

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bài học, bạn vui lòng để lại comment hoặc gửi vào phần liên hệ bên dưới blog. Cám ơn bạn đã tham gia khoá học này.

Hrvnacademy

Tôi là Thành HR - Follow mình để nhận bài học mới nhất nha. facebook

Post a Comment

Hãy để lại lời nhắn tại đây cho Thành nhé! Nhớ đánh dấu tick ở mục "Notify me" để nhận được thông báo khi mình trả lời comment của bạn.

Previous Post Next Post